title Phát triển đô thị

5 kiến nghị góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý đầu tư phát triển đô thị
Thứ năm, 29/08/2013, 17:00 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

Nghị định 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về Quản lý đầu tư phát triển đô thị (NĐ số 11/CP)  thay thế cho Nghị định 02/2006/NĐ-CP ngày 5/01/2006 của Chính phủ về việc ban hành quy chế khu đô thị mới (NĐ 02/CP); NĐ số 11/CP có quan điểm phát triển đồng bộ, toàn diện và bền vững , đã bổ sung các nội dung quy định về quản lý đầu tư xây dựng cho các khu vực, dự án phát triển đô thị, không chỉ ở các khu vực phát triển khu đô thị mới, mà còn đề cập đầy đủ đến  các khu vực, dự án cải tạo, tái thiết, bảo tồn tôn tạo, v.v.

Qua tình hình thực tế phát triển đô thị trong lĩnh vực xây dựng của Thành phố, kiến nghị một số nội dung góp ý cho dự thảo Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng như sau:

1. Về việc tổ chức xây dựng Chương trình phát triển đô thị, lập hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị

Theo NĐ 11/2013/NĐ-CP  quy định “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối xây dựng Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh và cho từng đô thị để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt” (khoản 2, điều 4 NĐ 11/CP) và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức lập hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc quyết định các khu vực phát triển đô thị theo thẩm quyền (điều 8, NĐ 11/CP).

Dự thảo Thông tư hướng dẫn cũng đề xuất Sở Xây dựng là cơ quan tổ chức lập và chủ trì thẩm định hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị trình Ủy ban nhân dân cấp thẩm quyền quyết định phê duyệt (Tại điều 3 của dự thảo) đối với tất cả các tỉnh thành trong cả nước là phù hợp. 

 

 

 

Tuy nhiên thực tế, các chức năng nhiệm vụ của Sở Xây dựng nói chung mà các Sở xây dựng các tỉnh thành trên cả nước thực hiện, thì tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ do 02 cơ quan Sở Quy hoạch – Kiến trúc và Sở Xây dựng đảm nhiệm. Đồng thời theo khoản 3, điều 6, Thông tư  34/2009/TT-BXD ngày 30/9/2009 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định 42/2009/NĐ-CP ngày 7/5/2009/NĐ-CP về phân loại đô thị đã quy định: “Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh rà soát đánh giá tình hình phân loại đô thị, chương trình phát triển đô thị trong phạm vi địa bàn hàng năm và kế hoạch 5 năm, định kỳ hàng năm báo cáo Bộ Xây dựng để tổng hợp trình Chính phủ”.

 

 

Như vậy, đối với các thành phố đặc biệt có Sở Quy hoạch – Kiến trúc, với chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố về quản lý nhà nước trong lĩnh vực Quy hoạch – Kiến trúc; cụ thể là tổ chức, hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị; hướng dẫn các huyện xây dựng chương trình phát triển đô thị và đánh giá tình hình phân loại đô thị, đề xuất các khu vực phát triển đô thị trên toàn địa bàn thành phố là phù hợp; Ngược lại, Sở Xây dựng sẽ có nhiệm vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố về tổ chức thực hiện sau khi các đồ án, quy hoạch, chương trình, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt  và thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong việc quản lý hoạt động xây dựng.

Do đó, kiến nghị Thông tư hướng dẫn nên đề cập cụ thể  đối với 02 thành phố đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Sở Quy hoạch Kiến trúc sẽ tham mưu giúp UBND thành phố quản lý nhà nước trong việc tổ chức hướng dẫn, lập và thẩm định việc xây dựng Chương trình phát triển đô thị toàn thành phố và cho từng đô thị (của huyện); lập hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

2. Về lập kế hoạch thực hiện khu vực phát triển đô thị  

 

 

 

 Theo quy định tại điểm a, khoản 3, điều 7 của dự thảo Thông tư hướng dẫn, về trách nhiệm lập kế hoạch thực hiện các khu vực phát triển đô thị thuộc địa giới hành chính của 01 tỉnh/ thành phố trực truộc Trung ương: “Trường hợp địa phương chưa có Ban quản lý khu vực phát triển đô thị: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì lập kế hoạch thực hiện khu vực phát triển đô thị”.

 

 

 Thực tế tại thành phố, Ủy ban nhân thành phố đã có chỉ đạo giao Sở Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với các Sở, Ban ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các quận – huyện xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện trong quá trình triển khai theo các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của thành phố (công văn số 2756/UBND-ĐTMT ngày 7/6/2013) . Hơn nữa, trong thời gian sắp tới, thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện thí điểm chính quyền đô thị. Do đó, kiến nghị trong trường hợp này tùy vào điều kiện cụ thể, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ tổ chức giao cho một đơn vị chủ trì lập Kế hoạch thực hiện các khu vực phát triển đô thị. 

3. Về việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị

Theo khoản 2, điều 44 của Luật Quy hoạch đô thị quy định về thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị, đối với đồ án quy hoạch chung đô thị loại II, III, IV và đô thị mới, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị trước khi phê duyệt phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng. 

 

 

 

Tuy nhiên, theo khoản 4, điều 7, NĐ 11/CP quy định: “Đối với những đồ án quy hoạch phân khu có quy mô dân số tương đương với đô thị loại IV trở lên tại các đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I, các đô thị có quy mô được xác định trong quy hoạch chung được phê duyệt tương đương với đô thị loại I, Ủy ban nhân dân tỉnh lấy ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng trước khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đồ án”.

 

 

Thực tế thành phố Hồ Chí Minh là đô thị, loại đặc biệt, hiện nay đang hoàn tất việc lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu, QHCT 1/2000 (có quy mô dân số tương đương với đô thị loại IV trở lên) theo Nghị định 37/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010 của Chính phủ. Do đó, kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép thành phố tiếp tục thực hiện phê duyệt theo Nghị định 37/2010/NĐ-CP. 

4. Về quy mô Khu đô thị mới 

 

Theo NĐ 02/CP có quy định về quy mô dự án khu đô thị mới “Dự án khu đô thị mới được lập có quy mô chiếm đất từ 50 ha trở lên. Trường hợp diện tích đất để dành cho dự án nằm trong quy hoạch đất đô thị nhưng bị hạn chế bởi các dự án khác hoặc bởi khu đô thị đang tồn tại thì cho phép lập dự án khu đô thị mới có quy mô dưới 50 ha nhưng không được nhỏ hơn 20 ha”. 

 

Hiện nay, NĐ 02/CP đã được thay thế bằng NĐ 11/CP và có hiệu lực ngày 01/3/2013 nhưng lại không quy định quy mô như thế nào để được gọi là Khu đô thị mới nên không có cơ sở để đánh giá các chỉ tiêu liên quan đến bảo vệ môi trường; cụ thể theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thành phố phải đảm bảo 90% khu đô thị mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung. 

 

 

Kiến nghị Bộ Xây dựng cần có nội dung quy định về quy mô tối thiểu của khu đô thị mới trong Thông tư hướng dẫn NĐ 11/CP, tương tự như NĐ 02/CP để có cơ sở đánh giá các tiêu chí liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường. 

5. Về quy trình thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự phát triển đô thị, kể cả các dự án phát triển nhà  

 

Để áp dụng các quy định pháp luật một cách đồng bộ, không trùng lắp, để triển khai các hoạt động đầu tư xây dựng phát triển đô thị được hiệu quả, quy trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng rõ ràng, vừa cải cách thủ tục hành chính để Chủ đầu tư dễ thực hiện, nhưng cũng xác định rõ trách nhiệm, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của các cơ quan quản lý về phát triển đô thị tại địa phương. 

 

 

 Kiến nghị về quy trình thủ tục đầu tư xây dựng đối với tất cả các dự án phát triển đô thị (kể cả các dự án phát triển nhà ở) như xét chọn chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, thẩm quyền chấp thuận đầu tư, thống nhất thực hiện theo các quy định của NĐ 11/CP của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị, sau đó là các quy định pháp luật khác có liên quan; Các kiến nghị cụ thể như sau: 

 

a)Về xét chọn chủ đầu tư 

 

 

 

Theo điều 20 của NĐ 11/CP quy định “Việc lưa chọn chủ đầu tư thực hiện thông qua hình thức đấu giá chuyển quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án hoặc áp dụng hình thức chỉ định trực tiếp theo các quy định của pháp luất về đất đai, nhà ở và pháp luật có liên quan. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định lựa chọn chủ đầu tư căn cứ trên kết quả của đấu thầu, đấu giá hoặc quyết định quyết định giao chủ đầu tư trong trường hợp chỉ định trực tiếp.”

 

 

Thực tế thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Tổ chuyên gia lựa chọn chủ đầu tư đối với các dự án phát triển Nhà ở theo Nghị định 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở (NĐ 71/CP) và thực hiện tương đối hiệu quả; Kiến nghị cần quy định cụ thể trong Thông tư, Giao Sở Xây dựng có trách nhiệm trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành thành lập Tổ chuyên gia lựa chọn chủ đầu tư đối với các dự án phát triển đô thị (tương tự như các dự án phát triển Nhà ở). 

 

b)Về thẩm quyền chấp thuận đầu tư 

 

 

 

* Đối với trường hợp dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới có quy mô diện tích <100 ha và có số căn hộ nhà ở  ≥ 2500 căn:

 

 

Theo NĐ 11/CP, dự án có quy mô <100 ha nên thuộc thẩm quyền chấp thuận đầu tư của Ủy ban nhân dân thành phố. Tuy nhiên, theo NĐ 71/CP, dự án có số căn hộ ≥ 2500 căn nên thuộc thẩm quyền chấp thuận đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Kiến nghị đối với dự án này,  sau khi được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt cho phép đầu tư theo NĐ 11/CP thì không phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép đầu tư theo NĐ 71/CP.  

 

 

 

* Đối với trường hợp dự án đầu tư xây dựng phát triển đô thị mới (không sử dụng vốn ngân sách) có quy mô < 100 ha và có quy mô nhà ở < 500 căn.

 

 

Theo NĐ 11/CP, dự án có quy mô < 100 ha nên thuộc thẩm quyền chấp thuận đầu tư của Ủy ban nhân dân thành phố. Tuy nhiên, theo NĐ 71/CP đối với dự án có số căn hộ < 500 căn nên thuộc thẩm quyền chấp thuận đầu tư của Ủy ban nhân dân quận, huyện. Kiến nghị đối với dự án này, sau khi được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt cho phép đầu tư theo NĐ 11/CP  thì Ủy ban nhân dân quận, huyện không phải xem xét chấp thuận đầu tư theo NĐ 71/CP.  

*Tương tự đối với các dự án tái thiết khu đô thị; cải tạo chỉnh trang khu đô thị; khu đô thị hỗn hợp trong đó có nhà ở, kiến nghị về thẩm quyền chấp thuận đầu tư, thực hiện theo các nội dung đã được quy định tại NĐ 11/CP (không thực hiện theo các quy định của NĐ 71/CP). Tác giả: Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM

Nguồn: Khác

Số lượng lượt xem: 2570
Tin mới hơn
Tin đã đưa