Góp ý dự thảo thông tư hướng dẫn một số nội dung tại Nghị định số 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ - Góp ý dự thảo thông tư hướng dẫn một số nội dung tại Nghị định số 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ
Quản lý chất lượng công trình xây dựng
Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được văn bản số 149/BXD-VP ngày 15/5/2013 của Bộ Xây dựng đề nghị góp ý cho dự thảo thông tư hướng dẫn một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng của Nghị định 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ (nội dung dự thảo được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng: www.xaydung.gov.vn).
Sau khi xem xét nội dung dự thảo, Phòng quản lý chất lượng Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh có các ý kiến như sau:
Việc phân cấp công trình: Khoản 2 – Điều 7 và Phụ lục VIII của Dự thảo
Ngày 28/12/2012, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 12/2012/TT-BXD ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia “Nguyên tắc phân loại, phân cấp công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật đô thị”, mã số QCVN 03:2012/BXD, có hiệu lực từ ngày 15/02/2013 và thay thế cho Thông tư số 33/2009/TT-BXD ngày 30/9/2009 (ban hành QCVN 03:2009/BXD).
Tại QCVN 03:2012/BXD không lập bảng phân loại, phân cấp công trình theo một trong hai tiêu chí là quy mô hoặc tầm quan trọng của công trình như những quy định trước đây mà chỉ nêu những nguyên tắc phân cấp công trình căn cứ vào nhiều tiêu chí như tầm quan trọng, quy mô, yêu cầu kỹ thuật xây dựng, tuổi thọ công trình và mức độ an toàn cho người và tài sản trong công trình đó để chủ đầu tư tự xác định và người quyết định đầu tư phê duyệt cấp công trình.
Việc có thêm các tiêu chí để chủ đầu tư tự xác định cấp công trình và người quyết định đầu tư phê duyệt cấp công trình làm cho việc xác định cấp công trình theo QCVN 03:2012/BXD là tương đối phức tạp, khó tạo sự đồng thuận khi thực hiện do:
- Phân cấp công trình theo bậc chịu lửa sẽ phức tạp, do phải xác định mức độ chống cháy của các loại vật liệu sử dụng khác nhau, chủ yếu dựa vào chủ quan của người đánh giá.
- Không nên đề cập yếu tố kỹ thuật và vật liệu xây dựng trong phân cấp công trình phục vụ công tác quản lý chất lượng công trình vì yếu tố tầm quan trọng và tuổi thọ sẽ quy định kỹ thuật và vật liệu sử dụng. Hơn nữa, kỹ thuật và vật liệu xây dựng luôn biến đổi, phát triển liên tục theo sự phát triển khoa học công nghệ .
- Có thể gây ra hiện tượng không thống nhất trong việc xác định cấp công trình làm căn cứ xác định nội dung, thẩm quyền và trách nhiệm quản lý chất lượng công trình từ bước khảo sát, thiết kế, thi công đến nghiệm thu công trình xây dựng. Tại Nghị định 15/2013/NĐ-CP và cả trong Dự thảo thông tư hướng dẫn không quy định người quyết định cấp công trình, nhất là nếu xảy ra trường hợp tư vấn thiết kế và thẩm tra thiết kế không thống nhất khi xác định cấp công trình .
Ngoài ra, trong xu hướng phát triển của ngành xây dựng với ngày càng nhiều công trình quy mô lớn được đầu tư, việc phân cấp công trình để quản lý chất lượng như trong dự thảo dễ dẫn đến tình trạng sẽ có nhiều công trình cấp I, cấp đặc biệt, thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, có khả năng gây ra quá tải trong quản lý. Hơn nữa, nếu xảy ra tình trạng này sẽ không phù hợp với định hướng xây dựng chính quyền đô thị ở các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định số 15/2013/NĐ-CP thì Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý công trình chuyên ngành hướng dẫn phân cấp công trình để phục vụ công tác quản lý chất lượng công trình. Do các hạn chế khi sử dụng QCVN 03:2012/BXD phân cấp công trình để phục vụ công tác quản lý chất lượng công trình, Phòng QLCL Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Xây dựng bổ sung hướng dẫn về phân cấp công trình, trên cơ sở kế thừa nội dung phân cấp công trình của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình và Thông tư số 33/2009/TT-BXD ngày 30/9/2009 (ban hành QCVN 03:2009/BXD), sẽ lập bảng phân loại, phân cấp công trình theo một trong hai tiêu chí là quy mô hoặc tầm quan trọng của công trình như những quy định trước đây, sử dụng riêng cho việc thực hiện Nghị định 15/2013/NĐ-CP, phục vụ công tác quản lý chất lượng công trình.
Căn cứ nghiệm thu hồ sơ thiết kế xây dựng công trình: Khoản 1 – Điều 15 – Dự thảo:
Tại khoản d – Khoản 1 – Điều 15 – Dự thảo, thành phần của hồ sơ thiết kế xây dựng dùng làm căn cứ nghiệm thu thiết kế không có Chỉ dẫn kỹ thuật. Trong khi theo quy định của Nghị định 15/2013/NĐ-CP (Khoản 1 – Điều 7) quy định chủ đầu tư tổ chức lập và phê duyệt Chỉ dẫn kỷ thuật cùng thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế khác triển khai sau thiết kế cơ sở.
Kiến nghị bổ sung Chỉ dẫn kỹ thuật vào thành phần hồ sơ nghiệm thu thiết kế đối với các trường hợp bắt buộc phải lập chỉ dẫn kỹ thuật.
Báo cáo của chủ đầu tư khi khởi công xây dựng công trình : Khoản 1 – Điều 24 – Dự thảo:
Theo quy định của dự thảo “ sau khi khởi công chủ đầu tư có trách nhiệm thông báo về cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng có thẩm quyền kiểm tra công trình…” là chưa rõ ràng :
a. Về thời gian báo cáo : Chủ đầu tư có thể báo cáo ngay sau khi khởi công hoặc sau một thời gian dài tùy ý.
b. Chỉ báo cáo cho “cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng có thẩm quyền kiểm tra công trình” sẽ không tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương nắm được tình hình thi công xây dựng trên địa bàn, hạn chế việc phối hợp quản lý chất lượng của cơ sở.
Ngoài ra, quy định chế độ báo cáo trên cũng không phù hợp cho mục tiêu thu thập thông tin quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn để các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương thực hiện báo cáo theo quy định tại Phụ lục V của dự thảo Thông tư hướng dẫn, vốn quy định cơ quan quản lý nhà nước địa phương phải báo cáo các số liệu theo mẫu chi tiết, định kỳ mỗi năm một lần.
Do đó, Phòng QLCL Sở Xây dựng kiến nghị quy định rõ là chủ đầu tư phải gởi thông báo khởi công công trình, theo mẫu ấn định, trong thời gian tối đa là 10 ngày kể từ ngày khởi công và nơi gởi ngoài cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng có thẩm quyền kiểm tra công trình, còn phải gửi một bản thông báo khởi công công trình cho cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương trong trường hợp cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương không phải là cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng có thẩm quyền kiểm tra công trình .
Trong quá trình thi công, chủ đầu tư cũng phải báo cáo về tình hình chất lượng công trình cho cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương định kỳ 6 tháng một lần theo Thông tư 06/2011/TT-BXD của Bộ Xây dựng . Cũng cần có quy định về thủ tục tiếp nhận báo cáo của Chủ đầu tư về tình hình chất lượng công trình cho cơ quan quản lý nhà nước, các biện pháp xử lý vi phạm hành chính nếu chủ đầu tư không thực hiện việc gởi báo cáo về tình hình chất lượng công trình cho cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương.
Kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng của cơ quan quản lý nhà nước và báo cáo của chủ đầu tư khi hoàn thành công trình: Điều 24, Điều 30 – Dự thảo:
Về báo cáo của chủ đầu tư khi hoàn thành công trình, tương tự như ý kiến của mục 3 ở trên, kiến nghị quy định chủ đầu tư không chỉ gửi báo cáo khi hoàn thành công trình cho cơ quan có trách nhiệm kiểm tra nghiệm thu mà trong quá trình thi công, chủ đầu tư cũng còn phải gởi báo cáo khi hoàn thành công trình cho cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương trong trường hợp cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương không phải là cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng có thẩm quyền kiểm tra công trình .
Tại mục c – Khoản 3 – Điều 24 – Dự thảo Thông tư quy định “Trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng có thể yêu cầu cá nhân hoặc tổ chức có đủ năng lực để giúp các cơ quan này kiểm tra chất lượng công trình”. Quy định này tương tự như việc chỉ định tư vấn giúp cơ quan quản lý nhà nước thực hiện thẩm tra thiết kế, nhưng chưa cụ thể, chưa có hướng dẫn về năng lực cần thiết của cá nhân, tổ chức giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra nghiệm thu và cũng cũng như chưa có hướng dẫn về cách lập dự toán cho chi phí thực hiện việc này.
5. Về phối hợp trong công tác quản lý chất lượng:
Tại Phụ lục V của dự thảo Thông tư hướng dẫn có quy định rất chi tiết mẫu báo cáo về tình hình chất lượng và quản lý chất lượng công trình xây dựng của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Mẫu báo cáo liệt kê đủ các loại công trình chính và đủ các loại cấp công trình, đang thi công và đã hoàn thành, cho mọi nguồn vốn. Để có được các thông số đáng tin cậy, hoàn chỉnh mẫu báo cáo này, cần xây dựng cơ chế phối hợp báo cáo về tình hình chất lượng và quản lý chất lượng công trình xây dựng từ cơ quan cấp Bộ đến cơ quan cấp Quận, Huyện. Trong thời gian qua, khi triển khai thực hiện báo cáo định kỳ quy định tại Thông tư 27/2009/TT-BXD ngày 31/7/2009 của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng nhận được rất ít báo cáo về tình hình chất lượng và quản lý chất lượng công trình xây dựng. Báo cáo không đúng mẫu, không đúng thời gian quy định, tạo nên rất nhiều khó khăn trong việc báo cáo về tình hình chất lượng và quản lý chất lượng công trình xây dựng định kỳ.
Do vậy, Phòng QLCL Sở Xây dựng đề nghị Bộ Xây dựng có tổng kết về công tác báo cáo về tình hình chất lượng và quản lý chất lượng công trình xây dựng trong thời gian qua, để đưa vào Thông tư hướng dẫn cơ chế phối hợp báo cáo về tình hình chất lượng và quản lý chất lượng công trình xây dựng của các cơ quan, nhất là các cơ quan cấp Bộ, để tạo điều kiện cho Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện tốt công tác báo cáo về tình hình chất lượng và quản lý chất lượng công trình xây dựng định kỳ.
6. Sớm ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 15/2013/NĐ-CP :
Nghị định 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng đã có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2013, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn thực hiện của Bộ Xây dựng .Điều này một phần cũng do còn có các vấn đề cần được quan tâm giải quyết để đảm bảo cơ sở pháp lý, tạo sự đồng thuận trong việc triển khai thực hiện. Phòng QLCL Sở Xây dựng đề nghị Bộ Xây dựng quan tâm nghiên cứu, có các văn bản riêng để hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 15/2013/NĐ-CP, từng bước giải quyết từng vấn đề, từng trường hợp, thay vì gộp chung giải quyết một lần thì thời gian không cho phép, để thực hiện công tác quản lý chất lượng công trình theo đúng quy định và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư .
Trên đây là các ý kiến của Phòng quản lý chất lượng Sở Xây dựng TP.HCM đối với dự thảo thông tư hướng dẫn một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng của Nghị định 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ, kính gửi Bộ Xây dựng xem xét, hoành chỉnh để sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 15/2013/NĐ-CP.
Tác giả: KS. PHAN NGỌC DIÊU
Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Min
Nguồn: Khác
- Hội thảo Sáng chế công nghệ sàn ô cờ ACH tiết kiệm chi phí xây dựng. (29/09/2013)
- Phổ biến nội dung Thông tư số 12/2013/TT-BXD ngày 31/7/2013 của bộ Xây dựng về Giải thưởng công trình chất lượng cao, Giải thưởng Quốc gia về chất lượng công trình xây dựng (24/09/2013)
- Những thay đổi trong công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng theo Nghị định 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ (29/08/2013)
- Thực trạng công tác an toàn, vệ sinh lao động ở doanh nghiệp và trên công trường xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh (29/08/2013)
- Thực hiện nghị định số 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng (23/06/2013)
- Xã hội hóa trong quản lý chất lượng công trình xây dựng, thực trạng ở Việt Nam và một số nước khác (06/05)
- Văn bản 242/SXD-QLCLXD ngày 25/3/2013 của Sở Xây dựng thông báo về việc tham dự Hội nghị phổ biến và triển khai thực hiện Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng (25/03)
- Chất lượng công trình xây dựng ở thành phố Hồ Chí Minh (28/02)
- Báo cáo tình hình chất lượng công trình xây dựng năm 2012 và gởi báo cáo kết quả chứng nhận chất lượng công trình cho Sở Xây dựng (02/12)
- Thông tư hướng dẫn một số nội dung về bảo trì công trình dân dụng, công trình công nghiệp vật liệu xây dựng và công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (22/05)