title Các văn bản phản hồi, cung cấp kết quả xử lý

Cung cấp thông tin cho Báo điện tử VNEpress.net liên quan Kế hoạch chống ngập năm 2020 của Sở Xây dựng
Thứ tư, 10/06/2020, 03:15 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Sở Xây dựng nhận được Giấy giới thiệu số 38-2020/GGT/VNE ngày 13 tháng 5 năm 2020 của Báo điện tử VnExpress.net về giới thiệu phóng viên Hà Thế An tìm hiểu thông tin về Kế hoạch chống ngập năm 2020 của Sở. Sau khi xem xét, Sở Xây dựng cung cấp thông tin theo các câu hỏi của phóng viên Hà Thế An như sau:

Câu hỏi 1: Tìm hiểu cụ thể kế hoạch, dự án chống ngập trọng điểm, cấp bách mà Sở Xây dựng thực hiện trong năm nay?

Để triển khai thực hiện công tác thoát nước, chống ngập trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay Thành phố đang đồng loạt triển khai thực hiện các dự án thuộc Quy hoạch Tổng thể hệ thống thoát nước (Ban hành kèm theo Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày ngày 19 tháng 6 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ) và Quy hoạch Thủy lợi chống ngập úng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh (Ban hành kèm theo Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ); bao gồm 90 dự án cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước; nạo vét, cải tạo kênh rạch,…Trong đó, giai đoạn hiện nay thành phố đang tập trung chỉ đạo thực hiện dự án trọng điểm Giải quyết ngập do triều có xét đến biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) theo hình thức PPP (thuộc Quy hoạch 1547).

Câu hỏi 2: Năm nay, Sở Xây dựng sẽ giảm còn bao nhiêu điểm ngập, tiến độ các dự án trọng điểm đến đâu?

Thực hiện Chương trình hành động số 17-CTrHĐ/TU ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về Chương trình Giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 6261/QĐ-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2016 về kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về Chương trình Giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020. Đến nay, đã giải quyết được 25/36 tuyến đường ngập đạt 69,44% so với chỉ tiêu nhiệm kỳ 2016 – 2020.

Trong giai đoạn tiếp theo (2021 – 2025), Thành phố sẽ triển khai các giải pháp nhằm “Giữ vững kết quả đạt được, không để tái ngập tại các vị trí đã được giải quyết phạm vi 550km2 thuộc giai đoạn 20216-2020; tập trung giải quyết giảm ngập bền vững cho lưu vực Trung tâm thành phố rộng 106,41 km2; cơ bản giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại của Thành phố”; trong đó tập trung triển khai các công trình để giải quyết 15 điểm ngập còn lại được xác định trong giai đoạn trước đó (2016-2020). Cụ thể các tuyến đường như: Tân Quý, Lê Đức Thọ, Phan Anh, Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), Hồ Học Lãm, Quốc lộ 1A (quận Thủ Đức), Ba Vân, Trương Công Định, Bàu Cát, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Nguyễn Hữu Cảnh, Thảo Điền, Quang Trung, Kha Vạn Cân.

Câu hỏi 3: Những khó khăn trong triển khai các dự án chống ngập?

Để triển khai thực hiện Chương trình giảm ngập nước về tổng thể cần phải có nguồn lực về tài chính, về quỹ đất cần bồi thường, giải phóng mặt bằng…rất lớn, đòi hỏi phải huy động mọi nguồn lực trong xã hội. Tuy nhiên, công tác kêu gọi đầu tư đang gặp nhiều khó khăn; khả năng huy động vốn ODA đang bị thu hẹp do Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình; chưa có cơ chế thu hút huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách, do đó chưa đủ nguồn lực để đầu tư toàn bộ các đề án, dự án thuộc Chương trình.

Tiến độ triển khai các dự án theo Quyết định 752/QĐ-TTg và Quyết định số 1547/QĐ-TTg còn chậm do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn, nguồn vốn không đảm bảo, trình tự thủ tục kéo dài, quy định pháp luật về bồi thường không phù hợp thực tế; một số dự án của các nhà đầu tư chưa được kết nối đồng bộ với các dự án thoát nước, chống ngập chung làm phát sinh tình trạng ngập cục bộ tại một số khu vực

Tình trạng xây dựng lấn chiếm, xả rác làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước, kênh, rạch vẫn còn phổ biến; mặc dù Thành phố đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhưng việc triển khai xử lý gặp nhiều khó khăn: lực lượng kiểm tra, xử lý còn mỏng, việc xử lý của các địa phương chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, nhiều trường hợp chưa kịp thời hoặc khó có khả năng phát hiện và ghi nhận hiện trường ngay thời điểm xảy ra hành vi vi phạm để xử lý theo quy định đối với những hành vi xâm hại, xả rác xuống hệ thống thoát nước, kênh, rạch.

Trên đây là nội dung cung cấp thông tin cho Báo điện tử VNEpress.net liên quan Kế hoạch chống ngập năm 2020 của Sở Xây dựng./.

Phòng Hạ tầng kỹ thuật

Số lượng lượt xem: 1142
Tin mới hơn
Tin đã đưa