title Các văn bản phản hồi, cung cấp kết quả xử lý

Cung cấp thông tin theo đề nghị của phóng viên Báo Kinh tế và Đô thị tìm hiểu thông tin về xây dựng hạ thủy giao thông của Thành phố Hồ Chí Minh
Thứ hai, 14/09/2020, 01:41 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Sở Xây dựng nhận được đề nghị của phóng viên Báo Kinh tế và Đô thị tìm hiểu thông tin về xây dựng hạ thủy giao thông của Thành phố Hồ Chí Minh. Sở Xây dựng có ý kiến như sau:

1. Về thông tin cho bài 1: Đổi thay từ những dòng kênh giữa dòng Sài Gòn

Khu vực nội thành Thành phố Hồ Chí Minh có 5 tuyến kênh rạch chính với tổng chiều dài khoảng 76 km đảm nhận chức năng tiêu thoát nước cho khu vực nội thành, bao gồm:

- Hệ thống kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè;

- Hệ thống kênh Tân Hoá – Lò Gốm;

- Hệ thống kênh kênh Đôi – kênh Tẻ;

- Hệ thống kênh Tàu Hũ – Bến Nghé;

- Hệ thống kênh Tham Lương – Bến Cát – Vàm Thuật;

Độ dốc của phần lớn các kênh rạch này là rất nhỏ, đáy kênh thì bị lấp đầy bởi các vật chất lắng đọng từ nước thải đô thị, rác từ các hộ dân cư sinh sống trên và ven kênh rạch cũng như các phương tiện buôn bán, sinh hoạt trên sông, do đó khả năng thoát nước rất kém. Nét đặc trưng của hệ thống kênh rạch Thành phố là bị ảnh hưởng mạnh bởi thuỷ triều. Vì vậy các chất ô nhiễm tồn đọng lại trong kênh và đang bị tích tụ dần. Sự ô nhiễm nước và tích tụ bùn lắng trên các kênh rạch này không chỉ làm xấu cảnh quan đô thị, đặc biệt khu vực gần phía trung tâm thành phố, mà còn ảnh hưởng không tốt đối với sức khoẻ cộng đồng.

1.1. Trong giai đoạn từ năm 1995 - 2018, Thành phố đã triển khai thực hiện được các dự án cải tạo kênh như sau:

- Dự án Vệ sinh môi trường Thành phố - Giai đoạn 1 (cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè): Tổng số nhà ở phải giải tỏa di dời là 11.423 căn, trong đó phải giải quyết chỗ ở mới để di dời là 8.000 hộ và có 3.423 hộ tự lo chỗ ở mới

Kênh Nhiêu Lộc - Thị nghè dài khoảng 10km, lưu vực thoát nước đảm nhận là 3.324ha. Năm 1992, trước khi thực hiện dự án, khoảng 900.000 người dân sống trên địa bàn này, chiếm 25% dân số thành phố. Khi thủy triều lên, nước sông Sài Gòn chỉ vào được khoảng 2,5km dưới hạ lưu làm phần lớn kênh trên thượng lưu thường xuyên có rác, mùi hôi. Gần 70% dân cư ở trên và ven kênh là vãng lai, không có hộ khẩu, thiếu nhà vệ sinh và nước sạch.

Dự án được chia ra làm 02 giai đoạn:

+ Từ năm 1993-1998: giải phóng mặt bằng, nạo vét kênh và chỉnh trang đô thị dọc kênh;

+ Từ năm 2002-2012: xây dựng hệ thống thu gom nước thải, kè bờ, làm đường, trồng cây xanh hai bên bờ.

Sau khi được Hội đồng nhân dân khóa 5 Thành phố thông qua, đại công trình cải tạo Nhiêu Lộc - Thị Nghè được chuẩn bị thực hiện. Các Quận 1, 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Quận 10 và Gò Vấp được giao thực hiện công tác di dời, tái định cư người dân ở trên và hai bên kênh. Dự án có Tổng mức đầu tư: 317 triệu USD tương đương 5.660 tỉ VNĐ (1USD = 17.867 VNĐ). Trong đó, vốn ODA là: 294 triệu USD tương đương 5.252 tỷ VNĐ; vốn đối ứng là: 23 triệu USD tương đương 408 tỷ VNĐ, quy mô chính thực hiện như sau:

STT

Hạng mục công việc

Thực hiện

1

Tuyến cống bao (sử dụng phương pháp kích ống) và thiết bị xả tràn (CSO)

9.051 m (cống D2,5m và cống D3m), 36 Shaft, 59 CSO

2

Mở rộng và thay thế cống cấp 2, cấp 3 và Sửa chữa, cải tạo cống hiện hữu bằng phương pháp CCTV trên Lưu vực NL-TN

XD: 58.145 m,

Sửa chữa: 5.171m

3

Trạm bơm có lược rác và các thiết bị phụ trợ

Công suất 64,000m3/giờ

4

Cải tạo tuyến kênh NLTN

Nạo vét kênh

Tường cừ

Lan can

Cây xanh

Chiếu sáng

Riêng đối với kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đoạn thượng lưu kênh ở quận Tân Bình (Út Tịch, Lê Bình) được đặt cống hộp để làm đường. Đoạn hạ lưu kênh dài 8,6km được nạo vét, khơi thông, kè bờ kiên cố và làm đường, trồng cây xanh hai bên bờ.

- Dự án Cải thiện môi trường nước - Giai đoạn 1 (cải tạo kênh Tàu Hũ - Bến Nghé): Số hộ dân gia đình bị ảnh hưởng là 2.553, số nhà dân phải giải tỏa, di dời là 2.411

Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé là một trong năm lưu vực kênh, rạch lớn của thành phố Hồ Chí Minh. Kênh dài khoảng 9,3km bắt đầu từ sông Sài Gòn đến kênh Lò Gốm chảy qua quận 1, 4, 5, 6, và 8. Dự án Cải thiện môi trường nước - Giai đoạn 1 được khởi công năm 2001, do Ban Quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước Thành phố làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư toàn dự án trên 4.000 tỉ đồng, trong đó Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ hơn 3.000 tỉ đồng, vốn đối ứng ngân sách gần 1.000 tỉ đồng. Các hạng mục trong gói thầu cải tạo kênh như sau:

+ Nạo vét kênh Tàu Hũ và Bến Nghé với chiều dài khoảng 7,3km.

+ San lấp một số đoạn kênh Bến Nghé và hạ lưu kênh Tàu Hũ.

+ Xây dựng khỏang 6.3 Km kè đá xây dọc theo bờ Nam của kênh Tàu Hũ và Bến Nghé.

+ Xây dựng khoảng 6.3 Km đường quản lý liền kề bờ kè được cải tạo.

+ Xây dựng cảnh quan dọc theo bờ Nam của kênh tàu Hũ và Bến Nghé với chiều dài khoảng 6,3km.

- Dự án Thành phần số 4 “Cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm” (kè bờ kênh Tân Hóa - Lò Gốm): Có 1.547 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó ảnh hưởng toàn bộ phải di dời là 817 trường hợp, ảnh hưởng một phần là 730 trường hợp. Có 225 hộ nhận quỹ nhà tái định cư theo phân bổ của thành phố và 596 trường hợp tự lo nơi ở mới

Kênh Tân Hóa - Lò Gốm là một trong năm lưu vực kênh, rạch lớn của thành phố Hồ Chí Minh. Với diện tích lưu vực khoảng 19km2, kênh dài khoảng 6,8km bắt đầu từ khu Bàu Cát - Quận Tân Bình đến kênh Lò Gốm chảy qua quận 6, 11, Tân Bình, Tân Phú.

Ngân hàng Thế giới đã khởi sướng chương trình nâng cấp đô thị quốc gia là giảm nghèo đô thị thông qua nâng cấp cơ sở hạ tầng theo phương pháp có sự tham gia của cộng đồng hưởng lợi. Tại Thành phố, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình Nâng cấp đô thị Thành phố được thành lập nhằm triển khai nhiệm vụ quan trọng: Cải thiện các công trình dân sinh và hạ tầng xã hội trên địa bàn các quận thông qua nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới. Trong đó có dự án Thành phần số 4 “Cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm”, thực hiện kè bờ kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Các hạng mục cải tạo kênh như sau:

+ Lý trình từ Km 0+000 đến Km 4+353,79: xây dựng kênh hở kè đá mái dốc, tường chắn bê tông cốt thép.

+ Lý trình từ Km 4+353,79 đến Km 6+854,36: cống hộp bê tông cốt thép với các kích thước: 2(2x2,5) m, 2(3x2,5) m, 4(2x2,5) m, 4(2,5x 3,0) m.

1.2. Kết quả thực hiện:

Với các lợi ích như chống xói lở, bảo vệ bờ, tạo điều kiện phát triển hạ tầng kỹ thuật, cải tạo môi trường nước, chỉnh trang đô thị...việc thực hiện kênh như các dự án nêu trên đã tác động tích cực đến cuộc sống của người dân và bộ mặt đô thị của Thành phố.

Nếu đánh giá về những đổi thay của Thành phố trong hơn 40 năm qua, không thể không nhắc đến những dòng kênh. Từ hàng trăm năm nay, bên những dòng kênh đã xuất hiện những khu nhà tạm bợ nhô ra giữa dòng, được chống đỡ bằng những cọc gỗ, nơi trú ngụ của hàng chục nghìn người dân. Những bất cập trong hệ thống thoát nước, ý thức bảo vệ môi trường kém của nhiều người trong nhiều năm đã làm cho nhiều kênh rạch bị ô nhiễm nặng nề, nước bị nhuộm đen, lềnh bềnh rác, tôm cá bị tận diệt vì ô nhiễm...

Với hệ thống kênh rạch đa dạng, trong đó có 5 kênh rạch nội thị góp phần tạo nên tiềm năng và nội lực phát triển của Thành phố cũng như những đặc thù về cảnh quan, văn hóa đô thị, việc đầu tư và cải tạo các dự án kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tân Hóa – Lò Gốm, Tàu Hũ - Bến Nghé có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Thành phố, góp phần cải tạo, chỉnh trang môi trường đô thị.

Một ý nghĩa lớn lao hơn nữa, đó là cả 3 công trình đã làm thay đổi cuộc sống của hàng ngàn hộ dân từng sinh sống dọc những con kênh này và mang lại cuộc sống mới cho bao hộ dân sống ở hai bên tuyến kênh như ngày nay, đồng thời cũng giúp kết nối mạng lưới giao thông, góp phần mang lại diện mạo đô thị mới. Đây là một trong những dấu son trong quá trình phát triển hơn 40 năm của thành phố, mang lại niềm vui, niềm tự hào cho người dân thành phố mang tên Bác.

2. Về thông tin cho bài 2: Những công trình giao thông kích cầu kinh tế của TP.HCM

Nội dung liên quan về lĩnh vực giao thông, đề nghị Báo Kinh tế và Đô thị liên hệ Sở Giao thông vận tải để được cung cấp thông tin.

3. Về thông tin cho bài 3: Quy hoạch hạ tầng TP.HCM cần có hướng đi để trở thành một đầu tàu kinh tế

Sở Xây dựng đang phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc và Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng Phần mềm ứng dụng quản lý quy hoạch – tài nguyên – xây dựng dùng cho toàn địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Việc chia sẽ dữ liệu số về tài nguyên – quy hoạch – xây dựng giữa các Sở để triển khai thực hiện xây dựng phần mềm ứng dụng quản lý quy hoạch – tài nguyên – xây dựng dùng cho toàn địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ đầu tư xây dựng xây dựng và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, xây dựng và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình.

Việc chia sẽ dữ liệu số của các Sở phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy chế tổ chức hoạt động của từng cơ quan, đơn vị và trách nhiệm, quyền hạn của cán bộ công chức, viên chức được giao nhiệm vụ.

4. Về thông tin cho bài 4: Đề án phát triển đô thị TP.HCM giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030: Thấy gì từ những dự án dài hơi

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai một số chương trình, đề án sau:

- Chương trình “Phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2050”: Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố tại Thông báo số 635/TB-VP ngày 18/08/2020 về triển khai công tác xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Xây dựng đang phối hợp Viện nhà ở và Công trình công cộng - Bộ Xây dựng để triển khai Chương trình phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, hiện đang hoàn chỉnh dự thảo Đề cương Chương trình phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2050, sẽ trình Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận phê duyệt Đề cương trong thời gian tới. Do đó, thông tin Sở Xây dựng đã chủ trì tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến là chưa chính xác.

- Đề án “Phát triển hạ tầng dịch vụ Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025, hướng đến 2040”: đề nghị Báo Kinh tế và Đô thị liên hệ Sở Quy hoạch – Kiến trúc để được cung cấp thông tin.

- Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh đến năm 2025”: đề nghị Báo Kinh tế và Đô thị liên hệ Sở Thông tin và Truyền thông để được cung cấp thông tin.

Phòng Phát triển đô thị

Số lượng lượt xem: 395
Tin mới hơn
Tin đã đưa