Lịch sử hình thành Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh - Lịch sử hình thành Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh
Giới thiệu chung
1. Từ Sở Kiến trúc và Quản lý Nhà đất (1975)…
Sau ngày giải phóng, đời sống đô thị ở thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định tạm thời ngưng trệ, nhất là tình hình đất đai, nhà cửa, bất động sản. Yêu cầu mới về việc quản lý đô thị, như tình hình hồi hương, giãn dân và sự thay đổi dân cư đô thị; nhu cầu kiến thiết, xây dựng, sửa chữa, các công trình công cộng sau chiến tranh... đòi hỏi ngành xây dựng Thành phố phải nhanh chóng tiếp thu và khẩn trương triển khai hàng loạt hoạt động về quản lý xây dựng đô thị.
Trước khi có quyết định chính thức thành lập Sở Kiến trúc và Quản lý Nhà đất Thành phố, từ tháng 7/1975, các ông Huỳnh Kim Trương, Nguyễn Thuận Thảo, Trần Văn Giao... đã được Trung ương Cục và lãnh đạo thành phố phân công chuẩn bị những mặt công tác cần thiết để thành lập và đưa Sở Kiến trúc và Quản lý Nhà đất thành phố đi vào hoạt động (Theo Quyết định số 019/QĐ.A ngày 24/7/1975 của Thường vụ Trung ương Cục chuẩn y Ban Giám đốc Sở Kiến trúc và Quản lý Nhà đất Thành phố Hồ Chí Minh, do ông Huỳnh Kim Trương làm Giám đốc; 2 ông Nguyễn Thuận Thảo và Trần Văn Giao làm Phó Giám đốc).
Ban lãnh đạo Sở Kiến trúc và quản lý nhà đất đã thành lập các đơn vị chức năng trực thuộc; có kế hoạch bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ từ chiến khu về; tuyển dụng cán bộ - công nhân viên mới, thu dung một số cán bộ kỹ thuật trước đây làm việc trong các ngành xây dựng, thiết kế ở Sài Gòn...
Ngày 15/11/1975, Ủy ban Quân quản thành phố ban hành Quyết định số 316/TCCQ V/v thành lập Sở Kiến trúc và Quản lý Nhà đất; do ông Mai Chí Thọ - Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn - ký.
Sở Kiến trúc và quản lý nhà đất là cơ quan chuyên môn quản lý công tác xây dựng thành phố: “vừa quản lý hành chính vừa chỉ đạo các cơ sở kinh doanh, chịu trách nhiệm tổ chức thi hành các chỉ thị nghị quyết và các kế hoạch của Thành ủy và Ủy ban Nhân dân Cách mạng Thành phố. Đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan xây dựng cơ bản cấp trên (Theo Điều 1, Quyết định số 316/TCCQ, ngày 15/11/1975 của Ủy ban Quân quản Thành phố Hồ Chí Minh, do ông Mai Chí Thọ - Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn ký).
Ông Huỳnh Kim Trương được phân công làm Giám đốc Sở Kiến trúc và Quản lý nhà đất; ông Nguyễn Thuận Thảo và ông Trần Văn Giao làm Phó Giám đốc.
Sở Kiến trúc và Quản lý nhà đất thành phố là cơ quan chuyên môn của Ủy ban Thành phố có nhiệm vụ:
- Khảo sát, thiết kế và quy hoạch xây dựng thành phố, chịu trách nhiệm quản lý việc thực hiện quy hoạch xây dựng thành phố theo kế hoạch của Thành ủy và Ủy ban Nhân dân.
- Tổ chức thi công, xây lắp và sửa chữa các công trình công nghiệp, dân dụng trong Thành phố theo kế hoạch được duyệt, kể cả các công trình của Trung ương được thi công trên địa bàn, khi được Ủy nhiệm.
- Quản lý và cải tạo các lực lượng thi công tư nhân; tổ chức chỉ đạo sản xuất vật liệu xây dựng và cơ khí xây dựng theo sự phân công, phân cấp.
- Tổ chức cung ứng vật liệu xây dựng cho yêu cầu thi công của thành phố. Quản lý và cải tạo các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng tư nhân theo hướng tiến lên xã hội chủ nghĩa.
- Bảo đảm sản xuất và cung cấp đủ nước cho toàn thành phố.
- Tổ chức quản lý đất và giúp Ủy ban Thành phố cấp đất cho xây dựng đúng tiêu chuẩn, theo kế hoạch và quy hoạch xây dựng thành phố.
- Quản lý và phân phối nhà cho các cơ quan làm việc, nhà ở cho cán bộ, công nhân viên nhà nước và nhân dân lao động trong thành phố một cách hợp lý theo chủ trương, kế hoạch của thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố.
- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở sản xuất quốc doanh và các thành phần kinh tế khác thực hiện đúng các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước quy định về vật tư, tiền vốn và lao động.
- Bồi dưỡng, đào tạo cán bộ nghiệp vụ, cán bộ quản lý và công nhân lành nghề cho ngành xây dựng theo yêu cần phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của thành phố.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975) đối với công tác xây dựng cơ bản và quản lý xây dựng, nhà đất trên địa bàn thành phố còn bề bộn những khó khăn. Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy và Ủy ban Quân quản Thành phố, cán bộ, lãnh đạo, nhân viên ngành xây dựng thành phố đã khẩn trương bắt tay cùng toàn dân thành phố hàn gắn vết thương chiến tranh, đưa cuộc sống của bà con nhanh chóng trở lại bình thường.
Hoạt động của ngành xây dựng trong giai đoạn này, thực hiện theo cơ chế: Nhà nước giữ vai trò chủ yếu trong quản lý, cải tạo, khai thác; quản lý, phân phối, cung cấp nhà ở cho cán bộ công nhân viên; hoạt động đầu tư xây dựng nhằm phát triển nguồn nhà ở cho cư dân thành phố còn rất hạn chế.
Đến cuối tháng 7/1975, Sở Kiến trúc và Quản lý Nhà đất phối hợp với các ban ngành liên quan nắm lại toàn bộ công sở, nhà đất của chính quyền Sài Gòn để lại, nhà cửa vắng chủ... tham mưu cho Thành phố phân bổ cho các đơn vị của thành phố và trung ương nhanh chóng quản lý và sử dụng theo quy hoạch. Cử cán bộ điều tra, lập kế hoạch trình Ủy ban Nhân dân Thành phố cho sửa chữa một số công sở, trường học bị hư hại do chiến tranh để kịp thời đưa vào sử dụng.
2. Đến Sở Xây dựng (1976) …
Để phù hợp với sự chuyển biến mới của tình hình và nâng cao năng lực hoạt động quản lý nhà nước trên lĩnh vực xây dựng cơ bản, nhà đất ở đô thị ngày 19/3/1976 Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định số 150/QĐ-UB đổi tên Sở Kiến trúc và Quản lý nhà đất Thành phố thành Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh.
Về phương diện quản lý nhà nước, Sở Xây dựng có trách nhiệm nghiên cứu trình Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành, hoặc tự ban hành - trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn - các quy định cụ thể hóa các luật lệ, chính sách của nhà nước và ngành để thi hành trong phạm vi thành phố; tổ chức kiểm tra việc thi hành các quy định đó. Sở Xây dựng thống nhất quản lý thiết kế dân dụng và công nghiệp; thi công xây lắp dân dụng và công nghiệp, sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng; có nhiệm vụ xây dựng qui hoạch phát triển lực lượng xây dựng; tổ chức quản lý việc thực hiện ấy.
Sở Xây dựng thành phố được tổ chức và làm việc theo chế độ thủ trưởng. Ông Nguyễn Văn Nhi được phân công làm Giám đốc Sở Xây dựng. Các ông Nguyễn Thuận Thảo, Trần Văn Giao, Nguyễn Hữu Thiện và Trần Văn Canh làm Phó Giám đốc. Các Phó Giám đốc giúp Giám đốc trong việc lãnh đạo chung và được giám đốc ủy nhiệm chỉ đạo một số mặt công tác của Sở. Đội ngũ cán bộ - công nhân viên của Sở phần lớn từ chiến khu về, từ miền Bắc chi viện tăng cường và một số nhân viên kỹ thuật của chế độ cũ xin ở lại tiếp tục làm việc.
Cơ cấu tổ chức của Sở bao gồm:
- Văn phòng (tổng hợp, hành chính, quản trị, thi đua, tuyên truyền);
- Phòng Kế hoạch - Tổng hợp;
- Phòng Thống kê - Kế toán - tài vụ;
- Phòng Tổ chức - Bảo vệ - Quân sự - Lao động -Tiền lương và Đào tạo;
- Phòng Kinh tế - Kỹ thuật;
- Phòng Quản lý Thiết kế và Xây dựng;
- Phòng Giám định Chất lượng xây dựng;
- Ban Thanh tra Pháp chế.
Cùng với quá trình hình thành Sở Xây dựng, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở cũng được thành lập như: Trường Nghiệp vụ Kinh tế Xây dựng, Trường Công nhân Kỹ thuật xây dựng, Trạm Thực nghiệm và thí nghiệm.
Bên cạnh bộ máy tổ chức của chính quyền, Đảng bộ Sở Xây dựng Thành phố cũng được thành lập; năm 1976 ông Nguyễn Văn Nhi - Giám đốc Sở - kiêm Bí thư Đảng ủy. Các chi bộ trực thuộc gồm có chi bộ: Văn phòng, Ban Thanh tra, Trường Nghiệp vụ Kinh tế Xây dựng, Trường Công nhân kỹ thuật Xây dựng.
Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập vào tháng 11/1975. Lúc đầu, trên cơ sở đoàn viên thanh niên từ các nơi chuyển về chỉ hình thành được l chi đoàn. Từ cuối năm 1976 trở đi, số lượng đoàn viên - thành niên của Sở tăng nhanh, có 6 chi đoàn các phòng ban, đơn vị trực thuộc với hơn 100 Đoàn viên. Cơ cấu tổ chức Ban chấp hành đoàn Sở xây dựng thành phố gồm có 7 đồng chí (đều hoạt động kiêm nhiệm) gồm: Bí thư, 1 Phó Bí thư, 1 Ủy viên thường vụ và các ủy viên ban chấp hành.
Công đoàn Sở xây dựng với vai trò tham gia quản lý đơn vị, ngay từ năm 1977 đã được thành lập, sau đó không ngừng được củng cố. Ban Chấp hành Công đoàn Sở đã tập trung vào việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về công tác chuyên môn đạt hiệu quả thiết thực, giúp việc quản lý ngành được thuận lợi hơn. Từ năm 1977 đến 1989 Công đoàn Sở Xây dựng Thành phố đã tổ chức tốt các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết các chế độ chính sách cho đoàn viên Công đoàn. Hằng năm, Công Đoàn sở luôn có kế hoạch tổ chức các đợt hội thao, hội thi “Mừng Đảng - Mừng Xuân” và nhân các ngày lễ với các môn thể thao. Đồng thời, Công đoàn phối hợp với Đảng ủy để tổ chức các buổi sinh hoạt chính trị, tuyên truyền nâng cao ý thức cách mạng, phát huy truyền thống của giai cấp công nhân, kiên quyết chống các quan điểm tư tưởng sai trái với đường lối Đảng.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Sở Xây dựng trong những năm sau giải phóng là đảm trách khâu ngành xây lắp và sản xuất vật liệu xây dựng. Khó khăn đối với Sở Xây dựng, một mặt vừa phải thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, mặt khác phải tập trung phát triển ngành sản xuất vật liệu, đủ sản phẩm cung ứng cho việc xây dựng thành phố trong thời kỳ mới. Các đơn vị sản xuất kinh doanh trực thuộc Sở lúc này có: Công ty Xây lắp do đồng chí Nguyễn Quang Thể làm Giám đốc (quản lý 5 xí nghiệp) - sau đó nâng lên thành tổng công ty; Công ty Sản xuất Vật liệu Xây dựng do ông Trần Văn Lệnh làm Giám đốc (quản lý 7 xí nghiệp: Cơ khí Xây dựng, Tấm lợp, Gạch bông Thanh Danh, Gạch ngói Long Bình, Gạch Hóc Môn, Gạch Củ Chi, Khai thác Cát - Đá - Sỏi; Nhà máy Xi măng -Vôi); sau này Công ty Xây lắp cũng được nâng lên thành Tổng công ty. Từ đầu năm 1977 hình thành thêm các đơn vị trực thuộc Sở Xây dựng: Xí nghiệp Cung ứng Vật liệu xây dựng, Xí nghiệp khảo sát địa hình địa chất, Viện Thiết kế, Ban Kiến thiết nội bộ và Ủy thác (là cơ quan quản lý công trình).
Trong các năm 1976, 1977 Sở Xây dựng thành phố tập trung vào việc quản lý và phân phối quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước. Cụ thể là tiếp nhận, quản lý và phân phối nhà, thiết lập cơ chế quản lý phân công phân cấp, cung cấp nhà ở.
Năm 1977, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân Thành phố, Sở Xây dựng đã tiến hành tổng điều tra cơ bản về nhà đất ở 12 quận nội thành và 5 thị trấn với kết quả - thành phố có 393.849 căn nhà với diện tích xây dựng 31.148.500 m2, diện tích sử dựng chính 23.645.000 m2, trong đó nhà nước quản lý 55.700 căn - 8.800.000 m2.
Một trong những thành tựu nổi bật lúc này là Sở Xây dựng với sự hỗ trợ của viện Quy hoạch thực hiện tổng nghiên cứu mặt bằng thành phố. Ủy ban Nhân dân thành phố cũng tạo điều kiện đưa cán bộ Sở Xy dựng dựng Thành phố đi một số nước trên thế giới để nghiên cứu, học tập... nhằm nghiên cứu qui hoạch tổng mặt bằng thành phố.
Thực hiện nghị quyết Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần I và quyết định số 111/CP ngày 14/4/1977 của Hội đồng Chính phủ, trong 2 năm 1977 - 1978 Sở Xây dựng Thành phố đã phối hợp các ban ngành liên quan tiến hành cải tạo xóa bỏ kinh doanh về nhà đất đối với chủ có nhà cho thuê, đã đưa vào quản lý 199.431 căn nhà với diện tích 2.360.000 m2. Đồng thời Thành phố đã trưng thu, trưng mua 6.284 căn nhà với 564.570 m2. Trong đợt cải tạo tư sản tháng 3/1978 và tiếp quản 15.000 căn với 100.000m2 nhà vắng chủ, nhà xuất cảnh...
Ngày 28/4/1977, để nghiên cứu lập dự án qui hoạch cải tạo, xây dựng và phát triển toàn diện Thành phố Hồ Chí Minh - một thành phố lớn nhất trong cả nước phù hợp với qui hoạch vùng và qui hoạch chung của cả nước - Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Viện Quy hoạch Thành phố, trực thuộc Sở Xây dựng. Viện có nhiệm vụ phối hợp với các ngành có liên quan của trung ương và Thành phố với Ủy ban nhân dân Quận, Huyện thuộc Thành phố, căn cứ vào qui hoạch vùng và qui hoạch chung của cả nước mà nghiên cứu lập qui hoạch tổng hợp, toàn diện về cải tạo, xây dựng và phát triển nội thành và ngoại thành để Ủy ban Nhân dân Thành phố trình Chính phủ xét duyệt.
Trong giai đoạn 1975-1977, Thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng xây cất 4.300 căn nhà cho công nhân vệ sinh, đường sắt... tại các cư xá Thủ Thiêm, Phước Bình, Tân Quy Đông, Phú Thọ Hòa, Lê Văn Duyệt... Thực hiện nghị định 02/CP ngày 4/6/1979 của Hội đồng Chính phủ, trên cơ sở tài liệu đăng ký nhà đất năm 1977, năm 1979 Sở Xây dựng đã tổ chức đăng ký nhà vắng chủ và đã quản lý 84.874 căn. Số lượng nhà đất này được sử dụng vào mục đích phân phối để ở, làm trụ sở và cơ sở sản xuất kinh doanh. Trong thời kỳ này, thành phố tiếp nhận và quản lý sử dụng nhà để giải quyết chỗ ở cho hơn 72.000 hộ gia đình cán bộ công nhân viên, gia đình có công với cách mạng.
3. Từ Ban Xây dựng cơ bản (1979) đến Ủy ban Xây dựng cơ bản (1982)
Để giúp Ủy ban nhân dân Thành phố quản lý tổng hợp công tác xây dựng cơ bản theo đúng đường lối chính sách của Đảng, kế hoạch và pháp luật của Nhà nước và các qui định của Ủy ban nhân dân Thành phố, nhằm bảo đảm hoàn thành tốt các nhiệm vụ xây dựng cơ bản của thành phố; đồng thời theo chỉ đạo của Ủy ban Xây dựng Cơ bản Nhà nước, ngày 31/10/1979, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã quyết định thành lập Ban Xây dựng Cơ bản Thành phố - trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố - Quyết định số 275/QĐ-UB.
Ban Xây dựng Cơ bản Thành phố có nhiệm vụ giúp Ủy ban Nhân dân Thành phố quản lý công tác qui hoạch xây dựng của thành phố; tổ chức nghiên cứu cụ thể hóa việc vận dựng các chủ trương, chính sách của Nhà nước về công tác xây dựng cơ bản để Ủy ban nhân dân thành phố ban hành áp dụng ở địa phương; giúp Ủy ban Nhân dân Thành phố xét duyệt thiết kế và dự toán các công trình do Ủy ban nhân dânthànhphố trực tiếp quản lý.
Lãnh đạo Ban Xây dựng Cơ bản Thành phố là ông Phạm Quang Hàm (Trưởng ban), Lê Văn Năm và Lưu Thanh Nhã (Phó ban).
Cơ cấu tổ chức của Ban Xây dựng Cơ bản Thành phố gồm:
1. Phòng Quản lý Thiết kế và Dự toán
2. Phòng Quản lý Tổng hợp Tình hình Xây dựng
3. Phòng Giám định Chất lượng Xây dựng
4. Phòng Kinh tế Xây dựng
5. Văn phòng (tổng hợp chung, tổ chức, hành chánh, quản trị)
6. Viện Quy hoạch và Khoa học Kỹ thuật xây dựng
Sau khi thành lập, Ban Xây dựng Cơ bản Thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện kế hoạch xây dựng của thành phố. Ban luôn theo dõi sát tình hình xây dựng các công trình trọng điểm, trên cơ sở đó đề xuất và kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố và thủ trưởng các ngành liên quan, nhằm đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ xây dựng cơ bản của thành phố. Tổ chức thực hiện việc kiểm tra, giám định nhà nước về chất lượng xây dựng cơ bản ở Thành phố trong đầu những năm 1980.
Đồng thời, Ban Xây dựng Cơ bản Thành phố còn tích cực thu thập, lưu trữ, quản lý và sử dụng các hồ sơ tư liệu về công tác đo đạc, trắc địa, khảo sát, quy hoạch của thành phố có liên quan đến công tác xây dựng cơ bản để phục vụ cho các yêu cầu xây dựng cơ bản của trung ương và của thành phố.
Tháng 11/1982, Ban Xây dựng Cơ bản Thành phố đôi tên Thành ủy ban Xây dựng Cơ bản Thành phố và thành lập thêm một số đơn vị:
1. Phòng Quản lý Quy hoạch và Xây dựng;
2. Phòng Lưu trữ Hồ sơ khảo sátvàthiết kế.
Năm 1985 ông Lê Văn Năm làm Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng Cơ bản Thành phố, ông Nguyễn Đăng Sơn làng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng.
Từ năm 1983 đến năm 1986, Ủy ban Xây dựng Cơ bản Thành phố đã củng cố tổ chức hoạt động các phòng ban chuyên môn, nâng cao năng lực hoạt động quản lý nhà nước trên lĩnh vực xây dựng. Ngày 7/1/1987, Ủy ban Xây dựng Cơ bản ra Quyết định số 19/QĐUB tổ chức lại và đổi tên Phòng Lưu trữ hồ sơ Khảo sát và Thiết kế thành Phòng Quản lý Khảo sát và Lưu trữ Tổng hợp tư liệu xây dựng cơ bản. Đây là đơn vị chuyên môn nghiệp vụ, giúp cho Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng Cơ bản thành phố thực hiện hai chức năng chủ yếu:
- Quản lý nhà nước thống nhất về khảo sát có liên quan đến xây dựng cơ bản trên địa bàn thành phố.
- Lưu trữ tổng hợp và khai thác sử dụng có hiệu quả đối với các loại hồ sơ tư liệu có liên quan đến xây dựng cơ bản trên địa bàn thành phố.
Ngày 30/7/1987, Ủy ban Xây dựng Cơ bản ra Quyết định số 1388/QĐ-UB thành lập Văn phòng Kiến trúc Sư trưởng làng tham mưu trực tiếp cho Ủy ban Xây dựng Cơ bản, giúp Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng Cơ bản Thành phố làm chức năng Kiến trúc Sư trưởng Thành phố với các nhiệm vụ cụ thể như chỉ đạo viện Quy hoạch trong công tác lập qui hoạch xây dựng và cải tạo Thành phố; lập tổng mặt bằng xây dựng Thành phố; lập qui hoạch xây dựng các quận, huyện; lập qui hoạch chi tiết; cấp đất xây dựng (Thường trực Hội đồng cấp đất Thành phố); cấp giấy phép xây dựng; tham gia thẩm tra các luận chứng kinh tế kỹ thuật, các phương án và giải pháp kiến trúc liên quan đến qui hoạch; cửng với các đơn vị chức năng khác thực hiện công tác giám sát kiểm tra việc thực hiện công tác xây dựng trên địa bàn Thành phố và xử lý các vụ việc sai phạm về xây dựng đô thị.
Như vậy, Văn phòng Kiến trúc Sư trưởng Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập năm 1987 trực thuộc Ủy ban Xây dựng Cơ bản Thành phố, trực tiếp làm tham mưu cho Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng Cơ bản Thành phố. Đây là một mô hình thí điểm Văn phòng Kiến trúc sư trưởng của cả nước, rút kinh nghiệm để sau này Trung ương chỉ đạo việc thành lập Văn phòng Kiến trúc Sư trưởng ở các thành phố lớn của Việt Nam.
Ngày 3/8/1987, Ủy ban Xây dựng Cơ bản ra quyết định số số 1415/QĐ-UB về việc thành lập Phòng Chuẩn bị đầu tư làm nhiệm vụ tham mưu cho Ủy ban Xây dựng cơ bản về các chương trình mục tiêu, có trọng điểm của Thành phố, hướng dẫn các ban, ngành, quận, huyện, các cơ sở trong việc lập dự án đầu tư công trình và luận chứng kinh tế - kỹ thuật công trình; thẩm tra và tổng hợp kết quả thẩm tra các luận chứng kinh tế kỹ thuật trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; biên soạn các qui chế và qui định có liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư.
Ngày 12/9/1985 Ban Tổ chức Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định số 875/TCCQ về việc thỏa thuận thành lập Xí nghiệp Dịch vụ Xây dựng Cơ bản, trực thuộc Ủy ban Xây dựng Cơ bản theo Nghị quyết 02/NQ-TU của Thành ủy. Xí nghiệp là đơn vị kinh doanh dịch vụ được xây dựng bằng nguồn vốn tự có và vốn vay ngân hàng, hoạt động theo chế độ hoạch toán kinh tế tự chủ.
Sau khi ra đời, Xí nghiệp Dịch vụ Xây dựng Cơ bản đã nỗ lực hoạt động, ký kết nhiều hợp đồng với các cơ quan, xí nghiệp nhà nước, các đơn vị kinh tế tập thể… bước đầu làm ăn hiệu quả, bảo đảm trang trải đầy đủ mọi chi phí và có lãi, phục vụ đời sống cán bộ công nhân viên cơ quan Ủy ban Xây dựng Cơ bản. Xí nghiệp cũng bảo đảm thực hiện đúng các chế độ, chính sách qui định hiện hành của nhà nước, của Ủy ban nhân dân thành phố và pháp luật.
Ngày 6/7/1988, Ủy ban Xây dựng Cơ bản ra Quyết định số 1583/QĐUB về việc thành lập Hội đồng Khoa học Kỹ thuật do PTS. Lê Văn Năm làm Chủ tịch Hội đồng; KS. Nguyễn Đăng Sơn và KTS. Lưu Trọng Hải làm Phó Chủ tịch.
Ngày 28/2/1989 Ủy ban Nhân dân Thành phố hợp nhẩt ban hành Quyết định số 77/QĐ-UB Ủy ban Xây dựng Cơ bản Thành phố và Sở Xây dựng Thành phố thành Sở Xây dựng thành phố.
* * *
Những năm 1975 - 1989, là thời kỳ khởi đầu của ngành xây dựng Thành phố. Đây là giai đoạn Sở Xây dựng Thành phố trải qua nhiều gian nan thử thách, phần lớn cán bộ từ chiến khu và từ miền Bắc vào lại chưa có kinh nghiệm quản lý xây dựng ở một đô thị lớn, hoạt động quản lý nhà nước của Sở còn sơ khởi và nhiều mặt bất cập, ngay cả chức năng, nhiệm vụ của Sở Xây dựng và Ủy ban Xây dựng Cơ bản cũng có phần trùng lắp về công tác quản lý nhà nước...
Vượt qua những thử thách ban đầu, được sự chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố, mà trực tiếp là đồng chí Võ Văn Kiệt (Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố) từ năm 1976 trỏ đi, Sở Xây dựng Thành phố dần dần đi vào nề nếp. Hoạt động xây dựng và quản lý nhà ở, tuân thủ theo quy hoạch chung của Thành phố. Tốc độ xây dựng nhà ở ngày càng tăng, phù hợp với nhu cầu về nhà ở ngày càng tăng của nhân dân. Sở Xây dựng Thành phố đã có bước chuyển nhanh và đồng bộ, góp phần gỡ bỏ cơ chế bao cấp về xây dựng nhà đất, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Sở Xây dựng Thành phổ đã hoàn chỉnh qui hoạch đất đai xây dựng nhà ở của thành phố, lập các công ty xây dựng, sửa chữa, dịch vụ... theo nguyên tắc hạch toán kinh doanh, không bao cấp. Sở Xây dựng đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành chính sách huy động các thành phần kinh tế, cả vốn, tay nghề, tổ chức quản lý để phục vụ công tác xây dựng cơ bản của thành phố; thực hiện việc phân cấp quản lý ngành giữa thành phố và quận, huyện; tìm bước tách việc quản lý ngành với quản lý sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực xây dựng; xúc tiến kế hoạch thành lập tổng Công ty Xây dựng và Tổng Công ty Xây lắp; qui định trách nhiệm và khuyến khích tập trung mọi khả năng của các thành phần kinh tế hợp tác tham gia công tác xây dựng cơ bản; liên doanh đầu tư với nước ngoài để phát triển ngành.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 1975 đến 1989, mặc dù vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục, nhưng Sở Xây dựng thành phố đã gặt hái những thành tựu quan trọng bước đầu, tạo tiền đề cho các giai đoạn phát triển sau này trên bước đường trưởng thành, đổi mới và hội nhập của ngành.
(Trích: Kỷ yếu Sở Xây dựng)
QT
- Chức năng và nhiệm vụ Phòng Cấp phép xây dựng (05/08/2015)
- Chức năng và nhiệm vụ Phòng Kinh tế xây dựng (04/08/2015)
- Chức năng, nhiệm vụ của Phòng Pháp chế (03/08/2015)
- Chức năng và nhiệm vụ Phòng Hạ tầng kỹ thuật (03/08/2015)
- Chức năng và nhiệm vụ Phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng (02/08/2015)