title Phản hồi ý kiến của tổ chức, cá nhân

Trả lời câu hỏi của ông Võ Văn Hải, hỏi về xử lý vi phạm xây dựng
Thứ năm, 05/01/2023, 05:34 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Sở Xây dựng nhận được câu hỏi của ông Võ Văn Hải (vh20101978@gmail.com, Quận 12), nội dung như sau:

“UBND phường A lập biện bản vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng đối với bà B vào ngày 23/9/2022. Nhưng đến ngày 02/11/2022, UBND phường A mới chuyển hồ sơ đến Quận C để ban hành quyết định xử phạt theo thẩm quyền.

Theo khoản 1 Điều 66 Luật xử lý vi phạm hành năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì hồ sơ vi phạm lập với bà B đã quá thời hạn ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Quận C trả hồ sơ để phường A ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (tháo dỡ công trình vi phạm) theo quy định tại khoản 4 Điều 78 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã: “Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 4 Điều 4 Nghị định này”.

Hỏi:

- Trường hợp này, Quận C trả hồ hơ vi phạm của bà B cho phường A xem xét ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả có đúng quy định hay không?

- Phường A được áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 4 Điều Điều 78 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ trong những trường hợp nào.”

Trả lời:

Theo khoản 9 Điều 9 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định về áp dụng hình thức phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: "Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính là người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với vụ việc đó."

Theo khoản 2 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính (Sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính:

“Đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này, người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành hoặc tang vật, phương tiện mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt tịch thu và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với hành vi vi phạm hành chính đó.

Quyết định phải ghi rõ lý do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm và thời hạn thực hiện.

Việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản này không bị coi là đã bị xử phạt vi phạm hành chính.”

Như vậy, trong trường hợp hết thời hạn ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật xử lý vi phạm hành năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì “người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với vụ việc đó” ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính (Sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Sở Xây dựng thông tin như trên để ông Võ Văn Hải (vh20101978@gmail.com, Quận 12) được rõ.

Thanh tra Sở

Số lượng lượt xem: 210
Tin mới hơn
Tin đã đưa