Chất lượng công trình xây dựng ở thành phố Hồ Chí Minh
Quản lý chất lượng công trình xây dựng
Trả lời của ông Nguyễn Thanh Xuyên, Phó trưởng Phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh.
PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình thực hiện pháp luật trong quản lý chất lượng xây dựng thời gian qua?
Ông Nguyễn Thanh Xuyên: Kết quả kiểm tra tại các công trường xây dựng cho thấy, tuy mức độ có khác nhau, nhưng nhìn chung các chủ đầu tư đều tuân thủ khá nghiêm túc quy định, có ý thức trong việc thực hiện những quy trình nhằm bảo đảm chất lượng công trình. Các đơn vị nắm khá rõ, cập nhật tốt những quy định pháp luật về quản lý chất lượng công trình, quan tâm tổ chức bộ phận lập, quản lý hồ sơ chất lượng công trình, tuy vẫn thường chậm hơn tiến độ thi công nên chưa đạt được việc cập nhật thực tế.
Những sai sót chủ yếu được phát hiện là về thủ tục như tiến hành thi công khi chủ đầu tư chưa ban hành quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công (mặc dù đã đóng dấu duyệt trên bản vẽ), hoặc nhà thầu lập phương án thi công thiếu chi tiết, chưa phù hợp thực tế; chưa có tài liệu hướng dẫn bảo trì công trình; mua bảo hiểm không đầy đủ; chưa thực hiện tốt việc lưu trữ hồ sơ. Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư không chấp hành việc báo cáo định kỳ về chất lượng công trình cho cơ quan quản lý nhà nước theo quy định, mặc dù chỉ một lần mỗi năm, chỉ khi tiến hành kiểm tra, cơ quan chức năng mới có được các thông tin về tình hình thi công, chất lượng công trình.
PV: Vừa qua đã có nhiều ý kiến về chất lượng các chung cư phục vụ tái định cư, Sở Xây dựng đánh giá như thế nào qua kiểm tra thực tế, giải pháp để duy trì chất lượng về lâu dài?
Ông Nguyễn Thanh Xuyên: Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng hơn 120 chung cư phục vụ tái định cư (một phần hay toàn bộ), các chung cư này được đưa vào sử dụng ở các thời điểm khác nhau (gần đây hoặc đã sử dụng trên 10 năm), nên tình trạng chất lượng cũng không đồng nhất, có một số bị xuống cấp, có vấn đề chất lượng, nhưng chỉ hư hỏng ở phần kiến trúc, hoàn thiện (mái lợp, gạch lát, hệ thống thoát nước…), chỉ ảnh hưởng điều kiện sử dụng, thẩm mỹ, không có chung cư nào xuất hiện hư hỏng kết cấu chịu lực.
Ngoài việc quản lý chất lượng thật chặt chẽ từ giai đoạn đầu tư xây dựng, chất lượng sử dụng các chung cư còn chịu ảnh hưởng rất lớn từ quá trình sử dụng. Về lâu dài, việc đảm bảo chất lượng của các chung cư phải do cư dân tự chủ thông qua Ban Quản trị, ngân sách Nhà nước không bao cấp chi phí bảo trì. Ban quản trị phải phát huy vai trò của mình trong quản lý sử dụng chung cư, nhất là phải có đơn vị chuyên nghiệp thực hiện vận hành, duy tu, bảo dưỡng công trình. Đa số các chung cư hiện do những đơn vị công ích quận, huyện quản lý, thực hiện sửa chữa, bảo trì; tình trạng này cũng chỉ là trong giai đoạn trung gian, khi chưa bố trí sử dụng hết số căn hộ hoặc vẫn đang thu tiền nhà và các ban quản trị chưa phát huy vai trò của mình.
PV: Thực tế cho thấy, các công trình xây dựng nhà dân riêng lẻ xảy ra sự cố nhiều nhất, lý do vì sao?
Ông Nguyễn Thanh Xuyên: Đầu tiên, do nhà riêng lẻ có số lượng xây dựng nhiều nhất, nên xác suất xảy ra sự cố đương nhiên cao hơn các công trình lớn, công trình công cộng.
Nhưng lý do chính là việc xây dựng nhà riêng lẻ hiện nay đa phần vẫn chưa được thực hiện theo quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ, chưa thật sự chuyên nghiệp từ khâu khảo sát đến thi công. Hiện nay phần lớn các căn nhà được chủ giao trọn việc xây dựng cho các thầu tư thông qua quen biết, giới thiệu, thường là không thực hiện khảo sát địa chất, không thuê thiết kế, việc thuê giám sát lại càng hiếm.
Do vậy, vấn đề an toàn và chất lượng của căn nhà gần như phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực và lương tâm của nhà thầu, chủ nhà thường chỉ tham gia vào một số việc như chọn loại vật tư điện, nước, thiết bị vệ sinh… là những thứ không quyết định sự bền vững của căn nhà, nên căn nhà được xây dựng theo cách trên sẽ chịu rủi ro cao từ khâu thiết kế đến thi công.
Ngoài ra, các nhà thầu thường cố gắng giảm chi phí thi công nên biện pháp thi công thường sơ sài, không an toàn, dễ có nguy cơ xảy ra sự cố khi xây dựng.
PV: Về nguyên nhân các sự cố, quy định về xây dựng tầng hầm, biện pháp ngăn chặn?
Ông Nguyễn Thanh Xuyên: Sự cố xảy ra có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng chủ yêu do các nguyên nhân chủ quan.
Chủ đầu tư đa phần thiếu kiến thức về xây dựng lại thường không thuê tư vấn đủ năng lực (quản lý dự án, giám sát…) nên việc quản lý, điều hành xây dựng không đủ để kiểm soát về chất lượng, an toàn.
Nhà thầu lập biện pháp thi công sơ sài, không phù hợp thực tế, trong khi một số tư vấn giám sát không thực hiện hết trách nhiệm, lơ là, không có mặt thường xuyên khi công trình thi công. Hoặc có tình trạng các công ty tư vấn lại thường đưa những cán bộ trẻ, chưa có kinh nghiệm đi giám sát tại công trường, nên dễ dẫn đến sai sót, không nhận diện được các nguy cơ xảy ra sự cố để có thể đề xuất biện pháp phòng tránh, nhất là các công trình có tầng hầm, xây chen trong khu dân cư, cần giao cho những nhân viên đủ kinh nghiệm thực hiện giám sát mới có khả năng đánh giá được mức độ an toàn của giải pháp thi công.
Địa chất vùng TP. Hồ Chí Minh phức tạp, nhiều khu vực chỉ trong phạm vi nhỏ đã có thay đổi lớn về địa chất, mực nước ngầm cao, nhất là nếu xây dựng tầng hầm, trong khu dân cư hiện hữu, dễ chịu rủi ro cao từ nhiều yếu tố khó lường trước (địa chất, kết cấu ngầm khác, nước ngầm).
Để ngăn chặn những sự cố xảy ra, ngoài việc phải thực hiện nghiêm các quy định về QLCL, cần bổ sung một số công việc sau:
- Tăng số hố khoan khảo sát địa chất trên công trường và nếu có thể, cả ngoài phạm vi mặt bằng công trình, để khảo sát chính xác hơn thực trạng địa chất, giảm rủi ro từ nhiều yếu tố khó lường trước (địa chất, kết cấu ngầm khác, nước ngầm).
- Khi thi công trong điều kiện dễ mất an toàn (như đào đất tầng hầm sát công trình lân cận, trong vùng có nước ngầm cao, đất yếu …), các bên (chủ đầu tư, nhà thầu, giám sát) cần tìm thêm tư vấn từ các chuyên gia để có phương án thi công an toàn nhất.
- Bộ Xây dựng cần bổ sung quy trình buộc thực hiện bơm vữa xi măng tạo màng ngăn nước, bao ngoài các mối nối tường vây đối với công trình có nhiều hơn 3 tầng hầm trước khi tiến hành đào đất tầng hầm, ở những vị trí xây dựng có mực nước ngầm cao.
PV: Về trách nhiệm cụ thể của Sở Xây dựng đối với các sự cố?
Ông Nguyễn Thanh Xuyên: Cần khẳng định, việc đảm bảo chất lượng tại công trình xây dựng thuộc trách nhiệm của các đơn vị trực tiếp tham gia xây dựng (chủ đầu tư, quản lý dự án, thiết kế, thi công, giám sát, thẩm tra…); các cơ quan quản lý Nhà nước chỉ kiểm tra việc tuân thủ các quy định để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra sự cố, không có trách nhiệm kiểm soát kỹ thuật thi công chi tiết của công trình ở hiện trường và hiện cũng không có quy định cơ quan QLNN phải có mặt ở tất cả các công trường và cơ quan QLNN cũng không thể chịu trách nhiệm thay, khi sự cố xảy ra.
Đối với việc giải quyết sự cố, trách nhiệm chính trong xử lý vẫn là chủ đầu tư và các bên trực tiếp tham gia xây dựng, cơ quan QLNN có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm soát để việc xử lý được nhanh chóng, giảm thiệt hại, đúng pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay quy định phân công trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan trong xử lý sự cố công trình cũng chưa cụ thể, nên còn xảy ra tình trạng chồng chéo trong chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn; do đó Sở Xây dựng đang soạn thảo Quy trình xử lý sự cố công trình xây dựng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, nhằm ban hành một quy trình xử lý thống nhất, chủ động đối với các trường hợp xảy ra sự cố công trình trên địa bàn trong tương lai.
PV: Về hoạt động của các cần trục tháp vươn ra đường, hoạt động cả trong giờ cao điểm gây bất an cho người dân, biện pháp của Sở Xây dựng ra sao?
Ông Nguyễn Thanh Xuyên: Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND.TP ban hành quy định về sử dụng cần trục tháp tại các công trường xây dựng (ban hành theo Quyết định số 73/2011/QĐ-UBND), TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước có quy định cụ thể về vấn đề này. Quy định ban hành để đưa hoạt động của những cần trục tại các công trường vào quy củ, với việc yêu cầu cần trục hoạt động theo những thời gian nhất định, có đăng ký trước, khi hoạt động nếu vươn ra khu vực công cộng phải có biện pháp cách ly tạm thời giao thông bên dưới để đảm bảo an toàn.
Sắp tới, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với Sở LĐTB&XH tiến hành kiểm tra việc tuân thủ quy định trên tại các công trường có sử dụng cần trục tháp, qua đó có biện pháp xử lý vi phạm, chấn chỉnh hoạt động cần trục để tránh bất an cho cộng đồng, phòng ngừa tai nạn xảy ra.
Nguồn: Tạp chí Sài Gòn Đầu tư & Xây dựng
Nguồn: Khác
- Những thay đổi trong công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng theo Nghị định 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ (29/08/2013)
- Thực hiện nghị định số 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng (23/06/2013)
- Góp ý dự thảo thông tư hướng dẫn một số nội dung tại Nghị định số 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ (29/05/2013)
- Xã hội hóa trong quản lý chất lượng công trình xây dựng, thực trạng ở Việt Nam và một số nước khác (06/05/2013)
- Văn bản 242/SXD-QLCLXD ngày 25/3/2013 của Sở Xây dựng thông báo về việc tham dự Hội nghị phổ biến và triển khai thực hiện Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng (25/03/2013)
- Báo cáo tình hình chất lượng công trình xây dựng năm 2012 và gởi báo cáo kết quả chứng nhận chất lượng công trình cho Sở Xây dựng (02/12)
- Thông tư hướng dẫn một số nội dung về bảo trì công trình dân dụng, công trình công nghiệp vật liệu xây dựng và công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (22/05)
- Hướng dẫn hoạt động kiểm định,giám định và chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực,chứng nhận sự phù hợp CLCTXD (22/12)
- Đăng ký công trình, đơn vị xây dựng tiêu biểu để bình chọn trao “Cúp vàng chất lượng xây dựng Việt Nam”. (25/05)