title Phát triển đô thị

Chương trình đột phá “Chỉnh trang và phát triển đô thị”
Thứ năm, 19/11/2015, 17:00 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

Thực tiễn quá trình quản lý và phát triển đô thị thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua cho thấy, chỉnh trang đô thị là cơ sở để phát triển đô thị, vừa là yêu cầu, vừa là đặc thù trong quá trình phát triển đô thị của Thành phố. Cùng với việc đầu tư phát triển các khu đô thị mới, như Khu đô thị mới Nam Thành phố, Khu đô thị mới Thủ Thiêm....Thành phố đã và đang tập trung, dồn sức để chỉnh trang đô thị. Mục tiêu của chỉnh trang và phát triển đô thị chính là góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng Thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại và nghĩa tình.

Nội hàm của chỉnh trang và phát triển đô thị, bao gồm:

 

 

1. Di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch;

2. Xây dựng mới, thay thế chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp;

3. Chỉnh trang, nâng cấp các khu dân cư hiện hữu;

4. Xây dựng, phát triển các khu đô thị mới đồng bộ, văn minh, hiện đại.

Trong thời gian qua, Thành phố đã di dời và tổ chức lại cuộc sống cho hơn 36.000 hộ gia đình sống trên và ven kênh, rạch; hàng ngàn hộ gia đình sống tại các chung cư hư hỏng, xuống cấp; nhiều khu đô thị hiện hữu được chỉnh trang, nâng cấp hẻm, lắp đặt hệ thống cấp, thoát nước và nâng cấp, sửa chữa nhà ở của nhân dân. Bộ mặt đô thị của Thành phố đã có nhiều đổi thay căn bản, không gian đô thị phát triển rộng hơn, nhiều khu đô thị mới mọc lên với nhiều tiện ích phục vụ nhu cầu cho cư dân được tốt hơn. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn; còn khoảng 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch; còn nhiều chung cư hư hỏng, xuống cấp, cần phải tổ chức di dời và xây dựng mới; còn nhiều khu đô thị hiện hữu cần phải chỉnh trang. Tiến độ đầu tư phát triển khu đô thị mới theo quy hoạch còn chậm. Thực tế đó đòi hỏi phải có sự đột phá về tư duy, đột phá về mục tiêu, đột phá trong công tác chỉ đạo và đột phá về tổ chức thực hiện, để đem lại kết quả tốt hơn.

Mặt khác, thực tiễn quá trình thực hiện các Chương trình đột phá giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, cho thấy, hệ thống giải pháp tổ chức thực hiện các Chương trình này có mối liên hệ biện chứng với các giải pháp thực hiện công tác chỉnh trang và phát triển đô thị. Việc di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch, các chung cư cũ, hư hỏng, xuống cấp, không chỉ cải thiện và nâng cao chất lượng nhà ở của nhân dân mà còn góp phần giảm ngập nước; giảm ô nhiễm môi trường và có thêm quỹ đất để đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tăng diện tích mảng xanh và cây xanh, góp phần giảm ùn tắc giao thông, nâng cao chất lượng môi trường cảnh quan đô thị. Do vậy, cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ, khoa học và hiệu quả giữa các Chương trình đột phá giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc giao thông và Chương trình “Chỉnh trang và phát triển đô thị”.

Có thể nói, chỉnh trang và phát triển đô thị là chủ trương đúng đắn của Đảng bộ Thành phố, được thực hiện nhất quán và xuyên suốt trong thời gian qua. Chương trình đột phá “Chỉnh trang và phát triển đô thị” là một bước phát triển mới, từ quá trình tổng kết thực tiễn, có kế thừa kinh nghiệm và kết quả thực hiện của các giai đoạn trước đây; từ sự lãnh đạo kiên quyết của các cấp ủy Đảng đến giải pháp tổ chức thực hiện đồng bộ và quyết liệt của chính quyền; sự kiên trì tuyên tuyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân. Chính vì vậy, việc xây dựng thêm Chương trình đột phá “Chỉnh trang và phát triển đô thị” là cần thiết, thể hiện sự tiếp nối không mệt mỏi, sự kiên trì và quyết tâm chính trị của Đảng bộ Thành phố về chăm lo cuộc sống nhân dân.

Đường Phạm Văn Đồng (dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài) công trình  trọng điểm của TP. Hồ Chí Minh

Đây là Chương trình lớn, phức tạp, có nhiều khó khăn. Để hiện thực hóa, cần được thảo luận kỹ lưỡng để tìm ra các giải pháp phù hợp, khả thi, để hiện thực thành công. Từ kết quả đạt được và những bài học kinh nghiệm quí báu; từ những quan điểm, mục tiêu và yêu cầu của Chương trình này, có thể tổng hợp các nhóm giải pháp cơ bản, như sau:

Một là, xây dựng cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư

Thực hiện phương thức xã hội hóa đầu tư dự án chỉnh trang và phát triển đô thị, nhằm huy động mọi nguồn lực, các thành phần kinh tế cùng tham gia.

Thực hiện phương án mở rộng biên thu hồi đất, điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, nhằm tăng giá trị sử dụng đất để mời gọi đầu tư dự án chỉnh trang, phát triển đô thị.

Rà soát những quỹ đất hiện có, nguồn nhà, đất dôi dư từ chương trình di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm, các doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, xử lý tài sản nhà đất sử dụng không hiệu quả, những khu đất bị xử lý, thu hồi do vi phạm quy định về quản lý và sử dụng đất... để bán đấu giá đất, tạo nguồn vốn thực hiện Chương trình hoặc chủ đầu tư được hoán đổi quỹ đất do nhà nước trực tiếp quản lý.

Chuyển đổi một phần nhà tái định cư không còn nhu cầu sử dụng sang nhà ở xã hội, dùng quỹ nhà xã hội này để giải quyết nhu cầu nhà ở cho các trường hợp bị giải tỏa, di dời nhưng không đủ điều kiện mua nhà ở thương mại, để tạo điều kiện cho các hộ gia đình lao động nghèo, thu nhập thấp có nhà ở hợp pháp, ổn định cuộc sống.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc nâng cao năng lực quản lý đô thị của chính quyền các cấp, thu hút nguồn lực quốc tế trong việc đầu tư hạ tầng đô thị.

Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước

Nâng cao năng lực quản lý đô thị của các cấp chính quyền Thành phố. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch, thiết kế đô thị, quản lý quy hoạch kiến trúc, quản lý đầu tư; quán triệt quan điểm phát triển đô thị bền vững khi thực hiện quản lý, điều hành phát triển đô thị.

Tăng cường vai trò định hướng của Nhà nước đối với thị trường bất động sản, để tập trung nguồn lực phát triển đô thị theo đúng định hướng quy hoạch. Đẩy mạnh xã hội hóa, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị.

Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong công tác quản lý đầu tư xây dựng và quản lý đất đai, thực hiện công khai quy hoạch. Kiện toàn chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước về phát triển đô thị, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các sở ngành để nâng cao hiệu quả quản lý.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng; kịp thời phát hiện và phải xử lý nghiêm, công khai các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.

Ba là, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và phát huy vai trò của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội

Trong quá trình thực hiện, phải bám sát sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát chặt chẽ của Hội đồng nhân dân, sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt là sự chia sẻ, chung sức của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội trong việc thực hiện Chương trình đột phá “Chỉnh trang và phát triển đô thị”.

Thực tiễn quá trình chỉnh trang và phát triển đô thị đòi hỏi phải nhìn nhận một cách cơ bản nhu cầu chỉnh trang đô thị là một phần của quá trình phát triển đô thị, là cơ sở để phát triển đô thị theo đúng Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025. Qua đó, tổ chức lại cuộc sống của Nhân dân, cải thiện điều kiện sống, tăng mức độ tiếp cận của Nhân dân với các dịch vụ công; tăng diện tích mảng xanh và cây xanh, tạo môi trường sống tốt hơn, hợp lý, hài hòa với không gian kiến trúc, cảnh quan xung quanh; phù hợp với sự phát triển chung của đô thị đặc biệt.

Rõ ràng và chắc chắn rằng, phải huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau trong xã hội, phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, để Chương trình đi vào cuộc sống với tính chất “đột phá” nhiều hơn, cụ thể hơn và đậm nét hơn; từ đó đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân Thành phố.

ThS. TRẦN TRỌNG TUẤN,

Thành ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng

Nguồn: Khác

Số lượng lượt xem: 5956
Tin mới hơn
Tin đã đưa