title Các văn bản phản hồi, cung cấp kết quả xử lý

Cung cấp thông tin cho Báo Người lao động
Thứ hai, 13/06/2022, 08:32 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Sở Xây dựng nhận được đề nghị cung cấp thông tin của Báo Người lao động về tình trạng cây xanh bị cắt, tỉa trụi cành, nhánh tràn lan, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng, cần bóng mát cây xanh và liên quan việc chống ngập khi mùa mưa đến;

Qua rà soát, Sở Xây dựng có ý kiến như sau:

 

1. Về nội dung câu hỏi “Mỗi năm, kinh phí được cấp cho việc chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh thuộc sự quản lý của Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh là bao nhiêu, đặc biệt năm 2021 và 2022? Kế hoạch chăm sóc trước và trong mùa mưa năm 2022 được triển khai như thế nào?”

Trả lời:

Về kinh phí chăm sóc, bảo dưỡng hệ thống cây xanh bóng mát đô thị được phân cấp quản lý cho Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật (đơn vị trực thuộc Sở Xây dựng):

+ Năm 2021: Khoảng 190 tỷ đồng.

+ Năm 2022: Khoảng 200 tỷ đồng.

Kinh phí này bao gồm sử dụng thực thực hiện cho các công tác chăm sóc, cắt tỉa; tuần tra phát hiện; trồng mới cây xanh; đốn hạ, thay thế cây nguy hiểm, cây mất an toàn;… đối với hệ thống cây xanh được phân cấp quản lý trên địa bàn. Cụ thể, năm 2021 là 152.723 cây (15.973 cây mới trồng, 66.376 cây loại 1, 54.666 cây loại 2, 7.400 cây loại 3 và 8.308 cây phân tán) và năm 2022 là 152.628 cây (14.356 cây mới trồng, 60.065 cây loại 1, 61.900 cây loại 2, 8.534 cây loại 3 và 7.773 cây phân tán).

Về Kế hoạch chăm sóc trước và trong mùa mưa năm 2022

- Công tác quản lý, chăm sóc bảo dưỡng công viên cây xanh và cụ thể với công tác chăm sóc, cắt tỉa cây xanh đô thị là một trong những chức năng, nhiệm vụ về quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị mà Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật thực hiện thường xuyên và liên tục. Đối với cây xanh đô thị, công tác quản lý, chăm sóc bảo dưỡng gồm các nội dung:

+ Duy trì, chăm sóc cây xanh: Duy trì cây xanh hiện hữu và thực hiện công tác cắt tỉa chăm sóc, xử lý nhánh khô theo quy trình kỹ thuật để đảm bảo mỹ quan, cảnh quan và an toàn cho đường phố (phòng tránh sự cố rơi, gãy cành, nhánh; ngã đổ cây);

+ Phát triển, trồng mới cây xanh: Đề xuất và thực hiện kế hoạch trồng mới, phát triển thêm cây xanh hàng năm trên đường phố, công viên và mảng xanh công cộng trên địa bàn được phân cấp quản lý.

- Thay thế cây xanh mất an toàn hoặc có nguy cơ mất an toàn: Thực hiện công tác kiểm tra thường xuyên để kịp thời ghi nhận, phát hiện cây xanh bị chết; cây xanh bị suy giảm sức sống; cây xanh bị sâu bệnh, hư hại, khiếm khuyết mất an toàn hoặc có nguy cơ mất an toàn để có biện pháp xử lý phù hợp. Khi ghi nhận, phát hiện các trường hợp cây xanh có tình trạng như trên, thực hiện công tác khảo sát, đánh giá trước khi đề ra biện pháp, quyết định xử lý.

- Để đảm bảo an toàn cây xanh, hạn chế sự cố cây xanh trong mùa mưa năm 2022, Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật đã triển khai và thực hiện xuyên suốt các kế hoạch chăm sóc, cắt tỉa, xử lý nhánh khô, hạ thấp chiều cao cây và rà soát xử lý cây xanh mất an toàn hoặc có nguy cơ mất an toàn.

- Về công tác cắt tỉa, xử lý nhánh khô: Đến nay đã cơ bản hoàn tất kế hoạch cắt tỉa đợt 1 đối với toàn bộ cây xanh trên toàn địa bàn được phân cấp quản lý.

- Về công tác hạ thấp chiều cao cây: Từ đầu năm đến nay, đã thực hiện hạ thấp chiều cao 95 cây.

- Về công tác rà soát xử lý cây xanh mất an toàn hoặc có nguy cơ mất an toàn: Từ đầu năm đến nay, đã thực hiện thay thế 984 cây xanh hư hại, khiếm khuyết, chết khô.

Các công tác này được Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật chú trọng triển khai thực hiện trước mùa mưa và vẫn duy trì liên tục, xuyên suốt trong năm để đảm bảo an toàn cho đường phố, hạn chế thấp nhất sự cố cây xanh (ngã đổ cây, rơi gãy nhánh) có thể xảy ra. Đặc biệt, trong mùa mưa bão, để chủ động phòng ngừa sự cố cây xanh, đảm bảo an toàn cho đường phố thì ngoài việc đẩy mạnh các công tác chăm sóc, cắt tỉa; kiểm tra xử lý cây xanh mất an toàn hoặc cây xanh có nguy cơ mất an toàn thì Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật và các đơn vị được giao chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh đường phố còn tổ chức công tác ứng trực, tiếp nhận và xử lý nhằm có sự phản ứng nhanh nhất trong việc khắc phục, xử lý sự cố cây xanh

 

2. Về nội dung câu hỏi “Việc cắt trụi cành, nhánh có thể hạn chế nguy cơ gãy đổ vào mùa mưa nhưng xét trên góc độ quản lý thì có thể nói thẳng rằng việc cắt trụi cành, nhánh một cách tràn lan thời gian qua là không làm tròn trách nhiệm chăm sóc bảo dưỡng, giữ gìn, bảo vệ cây xanh cũng như việc bảo vệ môi trường và mỹ quan đô thị. Đặc biệt, theo ghi nhận của phóng viên và phản ánh của người dân, những cây có độ cao thấp, thân cây nhỏ, nguy cơ xảy ra sự cố rất thấp; những cây có cành nhánh đang tươi tốt vẫn bị cắt bỏ. Việc này hại nhiều hơn lợi. Thực tế ở các nước, không đâu làm như thế. Quan điểm của Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề này?

Trả lời

Cây xanh phải được cắt tỉa đúng theo quy trình, hướng dẫn kỹ thuật, phù hợp với đặc điểm của loài cây, tình trạng sinh trưởng hiện hữu và không gian không gian sinh trưởng, điều kiện hạ tầng.

Thời gian qua, tại một số nơi đã có tình trạng cắt tỉa quá mức cây xanh ảnh hưởng đến mỹ quan và sinh trưởng của cây xanh. Do đó, ngày 25/11/2021, Sở Xây dựng có công văn số 11660/SXD-HTKT ban hành “Hướng dẫn về kỹ thuật cắt tỉa cây xanh đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”. Bộ tài liệu này là công cụ hướng dẫn, thống nhất kỹ thuật cắt tỉa cây xanh trên địa bàn Thành phố nhằm đạt được 3 mục tiêu quan trọng là: an toàn, mỹ quan và đảm bảo sức sống của cây.

Ngoài ra, ngày 18/2/2022, Sở Xây dựng có ban hành Công văn số 1622/SXD-HTKT theo đó giao Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật chủ trì xây dựng kế hoạch, chương trình tập huấn kỹ thuật cắt tỉa cây xanh đô thị cho các cơ quan, đơn vị quản lý cây xanh trên địa bàn thành phố theo “Hướng dẫn về kỹ thuật cắt tỉa cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”

 

3. Về nội dung câu hỏi “Hiện nay, sự phân bố cây xanh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh không đồng đều. Cây xanh tập trung nhiều ở các quận trung tâm, còn các quận, huyện xa trung tâm thì cây xanh ít hơn? Sở Xây dựng có kế hoạch gì để tăng cây xanh, mảng xanh tại các quận, huyện xa trung tâm thành phố trong thời gian tới?

Sở Xây dựng đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt Chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030 (Quyết định số 312/QĐ-UBND ngày 25/01/2021) và Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2025 (Quyết định số 2198/QĐ-UBND ngày 17/6/2021). Trong chương trình cũng thông qua danh mục 45 dự án công viên ưu tiên đầu tư xây dựng giai đoạn 2020 - 2025; Trong đó 39/45 dự án là thuộc địa bàn các quận, huyện ngoại thành. Ngoài ra, Sở Xây dựng vẫn đang tiếp tục phối hợp cùng Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Thành phố Thủ Đức tiếp tục rà soát, đề xuất việc đầu tư xây dựng công viên, mảng xanh, cây xanh.

 

4. Về nội dung câu hỏi “Liên quan đến việc chống ngập khi mùa mưa đang đến, Sở Xây dựng đã có kế hoạch gì để chống ngập cho sây bay Tân Sơn Nhất trong mùa mưa năm 2022? Tiến độ triển khai dự án thoát nước kênh Hy Vọng, A41, mương Nhật Bản đến đâu?”

Trả lời

Việc giải quyết thoát nước, chống ngập bên trong sân bay thuộc trách nhiệm của Cục Hàng Không. Thành phố sẽ thực hiện việc nạo vét hệ thống thoát nước và các dự án bên ngoài sân bay đảm bảo nước bên trong sân bay được kết nối, tiêu thoát nước tốt.

Liên quan đến công tác đảm bảo thoát nước cho toàn Thành phố nói chung và cho khu vực sân bay nói riêng, Sở Xây dựng đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành kế hoạch thực hiện theo giai đoạn 2021 - 2025 và theo từng năm. Ngoài ra, để chủ động ứng phó tình hình thời tiết có sự biến đổi khí hậu hiện nay, Sở Xây dựng đã có văn bản triển khai cho Ủy ban nhân dân của 22 quận, huyện và Thành phố Thủ Đức về việc chủ động xây dựng phương án ứng cứu, tăng cường công tác nạo vét mùa mưa bão theo từng năm.

Riêng khu vực xung quanh sân bay, Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật đã phối hợp với Cảng vụ hàng không Miền Nam và Ủy ban nhân dân quận Tân Bình thường xuyên kiểm tra, yêu cầu đơn vị thuê bao duy tu, nạo vét theo hiện trạng để phát huy hiệu quả của hệ thống thoát nước.

 Về tiến độ triển khai dự án thoát nước kênh Hy Vọng, A41, Mương Nhật Bản:

Dự án Cải tạo kênh A41 (kênh từ sân bay Tân Sơn Nhất ra đường Cộng Hòa) Phường 4, quận Tân Bình và Dự án Cải tạo mương Nhật Bản - Nhánh 02 (đoạn từ nhánh mương Nhật Bản đã thực hiện dự án đến đường Bạch Đằng 1 gần nút giao thông Trường Sơn), Phường 2, quận Tân Bình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận Tân Bình làm chủ đầu tư. Theo báo cáo của chủ đầu tư thì dự án đã đủ điều kiện khởi công xây dựng nhưng chưa triển khai được do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng dự kiến khởi công vào Quý 4/2022.

Dự án cải tạo kênh Hy Vọng, quận Tân Bình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng đô thị làm chủ đầu tư. Thành phố đã có kế hoạch thực hiện dự án này trong giai đoạn 2021 - 2025, hiện Chủ đầu tư đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư.

Sở Xây dựng chuyển thông tin đến Báo Người lao động để xử lý thông tin theo quy định.

Văn phòng Sở

Số lượng lượt xem: 47
Tin mới hơn
Tin đã đưa