title Các văn bản phản hồi, cung cấp kết quả xử lý

Cung cấp thông tin cho Báo Tuổi trẻ
Thứ năm, 02/06/2022, 08:22 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Sở Xây dựng nhận được đề nghị của Báo Tuổi trẻ đề nghị Sở Xây dựng hỗ trợ thông tin về vấn đề chống ngập tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Qua rà soát, Sở Xây dựng có ý kiến như sau:

1. Về nội dung câu hỏi “Nhìn tổng thể Thành phố Hồ Chí Minh ít ngập hơn tuy nhiên chống ngập vẫn là câu chuyện nóng mà người dân quan tâm. Thời gian qua TP đã đưa vào khai thác những công trình chống ngập nào, hiệu quả cụ thể qua thời gian theo dõi ra sao?”

Trả lời

Kết quả công tác chống ngập trong thời gian qua.

Trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố, cùng với sự tham gia đóng góp ý kiến, giải pháp của các chuyên gia trong lĩnh vực thoát nước, chống ngập trong và ngoài nước nên kết quả xóa, giảm ngập đã đạt được một số kết quả nhất định, các khu vực trước đây được xem là “rốn ngập” như: đường 3 tháng 2, Lê Hồng Phong, Bùng Binh Cây Gõ, Bến xe Chợ Lớn, Tỉnh lộ 43, Quốc lộ 1, Hai Bà Trưng, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, …đã không còn xuất hiện ngập khi có mưa lớn; kết quả cụ thể như sau:

- Năm 2008, trên địa bàn Thành phố tồn tại 126 điểm ngập, trong đó có 85 điểm ngập vùng trung tâm và 41 điểm ngập vùng ngoại vi. Tính đến đầu năm 2011, đã xóa, giảm ngập từ 126 điểm xuống còn 58 điểm (giảm 53,97%) với 31 điểm vùng trung tâm và 27 điểm ngập vùng ngoại vi.

- Đến cuối năm 2015, Thành phố còn 40 tuyến đường ngập, trong đó có 17 tuyến đường thường xuyên ngập mỗi khi mưa và 23 tuyến đường ngập được xử lý bằng giải pháp cấp bách trước đây, cần tiếp tục đầu tư để hoàn chỉnh.

- Đến cuối năm 2020, Thành phố còn 22 tuyến đường trục chính thường xuyên ngập nước.

- Trong năm 2021, đã xóa được 3/22 tuyến đường ngập (Tân Qúy, Trương Công Định, Ba Vân).

Các công trình chống ngập đã đưa vào khai thác trong thời gian quan.

Giai đoạn 2011-2015

Theo báo cáo số 204/BC-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố về tổng kết 05 năm Chương trình giảm ngập nước giai đoạn (2011-2015). Trong giai đoạn này, Thành phố đã thực hiện đầu tư và đưa vào vận hành khai thác các công trình cụ thể như sau:

+ Nhóm giải pháp ngắn hạn

(1) Cải tạo hệ thống thoát nước bằng nguồn vốn Trung tu, Ủy quyền: Hoàn thành 29 dự án góp phần cải tạo 13,67km hệ thống thoát nước, góp phần giải quyết thoát nước và ngập cục bộ cho 29 khu vực quận, huyện.                                                                                                                                                                   

(2) Nạo vét kênh rạch bằng nguồn vốn Trung tu, Ủy quyền: Hoàn thành 31 dự án, nạo vét 24,61km kênh rạch, góp phần giải quyết thoát nước, ô nhiễm môi trường và ngập cục bộ cho 31 khu vực quận huyện.

(3)  Đưa vào vận hành các dự án đã hoàn thành:

- 04 dự án ODA lớn, bổ sung 175,05km cống vào hệ thống thoát nước chung của thành phố: Dự án cải thiện môi trường nước (23,8km); Vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc Thị Nghè (57,05km); Nâng cấp đô thị 27,0km); Đại lộ Võ Văn Kiệt (67,2 km).

- 75 dự án cải tạo, phát triển hệ thống thoát nước với tổng chiều dài 73,43km.

+ Nhóm giải pháp trung hạn và dài hạn

Thi công hoàn thành 04 dự án ODA trọng điểm, 75 dự án nâng cấp, xây mới hệ thống thoát nước, 49 dự án nạo vét kênh rạch, 01 trạm bơm; cải tạo, phát triển 248,48km km cống, trong đó:

- 4 dự án ODA trọng điểm của thành phố: Đến hết năm 2014, hoàn thành giai đoạn 1 của  04 dự án ODA lớn và tiếp tục thực hiện các dự án khác, đã cải tạo, nâng cấp, bổ sung 175,05km cống vào hệ thống thoát nước chung của thành phố.

- Đối với các dự án cải tạo, nâng cấp và phát triển hệ thống thoát nước giai đoạn 2011÷2015: Trong 05 năm 2011-2015, hoàn thành 46/159 dự án. Góp phần cải tạo và phát triển 59,76 km cống các loại.

- Hoàn thành 29 dự án bằng nguồn vốn Trung tu, Ủy quyền cải tạo 13,67km hệ thống thoát nước.

Giai đoạn 2016-2020.

Theo báo cáo tổng kết 05 năm thực hiện Chương trình giảm ngập nước giai đoạn (2016-2020) và Phương hướng nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo (2021-2025) của Ủy ban nhân dân thành phố. Trong giai đoạn này thành phố đã thực hiện đầu tư và đưa vào vận hành khai thác các công trình cụ thể như sau:

+ Giải pháp ngắn hạn

Đã hoàn thành 22 công trình với chiều dài 8,284 km, nạo vét 37 tuyến kênh, rạch với chiều dài 28,075 km. Hoàn thành đầu tư hệ thống cống tại 63 tuyến đường, nâng tổng số chiều dài cống đạt được 171,795km/200km (đạt 85,9%).

+ Giải pháp trung hạn và dài hạn

- Đang triển khai 54 dự án xây dựng hệ thống thoát nước để bổ sung 92,56 km cống các loại và nạo vét 60,85 km kênh rạch; thực hiện 1.494 công trình cải tạo, nâng cấp các tuyến hẻm, đường nhánh; khơi thông 193 tuyến kênh, rạch đảm bảo thông thoáng và cải thiện môi trường.

- Đang làm việc với Ngân hàng Phát triển Châu Á đang xem xét tài trợ dự án Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; tổ chức kêu gọi đầu tư dự án Cải tạo rạch Xuyên Tâm dài 8,2km; đang chuẩn bị đầu tư các dự án Cải tạo rạch khu vực nội đô gồm Văn Thánh; Bà Tiếng, Liên Xã, Ông Búp, đang triển khai thi công đối với rạch Bùi Hữu Nghĩa.

- Dự án Giải quyết ngập do triều kết hợp với biến đổi khí hậu đã thi công ước đạt 90% khối lượng.

- Triển khai thi công 02 dự án Bờ tả sông Sài Gòn; chuẩn bị khởi công dự án nạo vét rạch Xóm Củi; chuẩn bị đầu tư dự án Nạo vét rạch Bà Lớn; kêu gọi đầu tư 05 dự án: Cải tạo trục tiêu thoát nước Thủ Đào, Ông Bé, Thầy Tiêu, Cống Sông Kinh và tuyến kênh nhánh (kênh Tham Lương đến Chợ Đệm) bằng nguồn xã hội hóa.

2. Về nội dung câu hỏi “Trước đây Thành phố từng tính tới phương án làm hồ điều tiết tại một số khu vực. Hồ điều tiết từng được xem giải pháp chống ngập đáng lưu ý, hiện tại phương án này còn hữu dụng không trong tình hình hiện tại”.

Trả lời

Hồ điều tiết có nhiệm vụ giữ lại một lượng nước khi mưa quá lớn, hệ thống cống không thể tải hết trong một thời điểm. Ngoài mục đích chống ngập, hồ điều tiết còn được xem là giải pháp cải thiện môi trường, tạo mỹ quan đô thị cho thành phố. Hiện nay, thành phố đang triển khai đồ án Quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết phân tán giảm ngập ứng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, nội dung đồ án quy hoạch như sau: Phạm vi lập quy hoạch của dự án này dựa trên phạm vi lãnh thổ xác định trong Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025. Bao gồm 23 quận huyện (không bao gồm khu vực huyện Cần Giờ). Dự kiến bao gồm 104 vị trí hồ điều tiết, trước mắt xây dựng 03 hồ điều tiết Gò Dưa rộng 23ha (Quận Thủ Đức), Bàu Cát rộng 0,4ha (Quận Tân Bình) và Khánh Hội rộng 4,8ha (Quận 4) từ nguồn xã hội hóa, ngân sách thành phố và ngân sách Trung ương cấp bổ sung từ nguồn quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn 2015 - 2020. Sau khi có quy hoạch điều chỉnh sẽ tiến hành đầu tư xây dựng các hồ điều tiết bằng các hình thức từ ngân sách hoặc đối tác công tư (PPP).

Trong thời gian chờ triển khai các hồ điều tiết này, được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân thành phố tại Công văn số 5848/UBND-ĐT ngày 18 tháng 10 năm 2016, vào tháng 6 năm 2017 Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước (nay là Trung tâm Hạ tầng) đã phối hợp cùng Công ty SEKISUI xây dựng phương án; kế hoạch thực hiện và triển khai ngoài hiện trường xây dựng thí điểm hồ điều tiết ngầm bằng sản phẩm “Cross-wave” tại vị trí trước nhà Thiếu nhi quận Thủ Đức (nay là Thành phố Thủ Đức), qua đó đã phát huy hiệu quả, chống ngập cho khu vực.

3. Về nội dung câu hỏi “Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay còn bao nhiêu điểm ngập, thời gian tới TP sẽ có những dự án chống ngập nào chuẩn bị khởi động? Các dự án chống ngập đang thực hiện tiến độ tới đâu?

Trả lời

Số điểm ngập trên địa bàn Thành phố

Như đã nêu như trên, từ những giải pháp đã triển khai, kết quả đạt được trong giai đoạn từ năm 2008 đến tháng 05 năm 2022 đã kéo giảm từ 126 tuyến đường thường xuyên ngập còn lại 19 tuyến đường ngập do mưa, mưa kết hợp triều cường, cụ thể:

- 15 tuyến đường ngập do mưa: Nguyễn Hữu Cảnh, Bàu Cát, Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm cũ), Đặng Thị Rành, Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Quốc Lộ 1A (Thành phố Thủ Đức), Phan Anh, Hồ Học Lãm.

- 4 tuyến đường ngập do mưa kết hợp triều cường: Nguyễn Văn Hưởng, Quốc lộ 50, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn.

Các dự án chống ngập đang thực hiện trên địa bàn Thành phố

Giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố tập trung triển khai các dự án nhằm giải quyết tình hình ngập, cải thiện môi trường với các nội dung:

(1) Các dự án trọng điểm

- Hoàn thành dự án Giải quyết ngập do triều khu vực thành phố Hồ Chí Minh, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (Giai đoạn 1).

- Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn).

- Dự án Cải tạo hệ thống thoát nước mưa và nước thải Thành phố Hồ Chí Minh (lưu vực Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên) (Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ).

- Dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn.

- Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè đến sông Vàm Thuật), quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp.

- Dự án Cải tạo kênh Hy Vọng.

- Cải tạo các trục tiêu thoát nước chính: Cải tạo rạch Văn Thánh, Xóm Củi, Bà Lớn, Thủ Đào, Thầy Tiêu, Ông Bé.

(2) Các dự án giải quyết 15 tuyến đường trục chính bị ngập

Tập trung nguồn lực hoàn thành các dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước để giải quyết 15 tuyến trục chính thường xuyên ngập nước, cụ thể các tuyến: Nguyễn Hữu Cảnh, Bàu Cát, Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm cũ), Đặng Thị Rành, Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Quốc Lộ 1A (Thành phố Thủ Đức), Phan Anh, Hồ Học Lãm.

(3)  Các dự án đầu tư nâng cấp, phát triển hệ thống thoát nước

Triển khai thực hiện các dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước và nạo vét kênh rạch giai đoạn 2021-2025 với tổng chiều dài hệ thống thoát nước được bổ sung khoảng 96km và chiều dài kênh rạch được cải tạo khoảng 5km.

(4) Xây dựng hệ thống các nhà máy xử lý nước thải

- Xây dựng hoàn thành Dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè (giai đoạn 2).

- Hoàn thành dự án Cải tạo Môi trường nước Giai đoạn 2.

- Tổ chức kêu gọi đầu tư xây dựng các Nhà máy xử lý nước thải còn lại

Sở Xây dựng chuyển thông tin đến Báo Tuổi trẻ để xử lý thông tin theo quy định.

Văn phòng Sở

Số lượng lượt xem: 38
Tin mới hơn
Tin đã đưa