title Phát triển đô thị

Góp ý sửa đổi Luật Xây dựng: Xã hội hóa quản lý góp phần nâng cao vai trò của Nhà nước trong hoạt động xây dựng
Chủ nhật, 23/06/2013, 17:00 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

I. Về góp ý chung, quan điểm sửa đổi bổ sung Luật Xây dựng

Hiện nay, bên cạnh Luật xây dựng, ở từng ngành, lĩnh vực riêng đã có các Bộ Luật liên quan đề cập như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, v.v. Do đó, Luật Xây dựng nên giới hạn và tập trung vào công tác “Xây Dựng”, đề ra những nguyên tắc, quy định pháp luật liên quan đến tất cả các hoạt động xây dựng,  nhằm mục đích xác lập Quyền và Nghĩa vụ của tất các Chủ thể kể cả Cơ quan QLNN liên quan trực tiếp đến việc xây dựng các công trình một cách hiệu quả và bền vững. 

Nội dung của Luật Xây Dựng cần tập trung đi sâu vào các quy định của các công tác xây dựng như  Khảo sát xây dựng, Thiết kế xây dựng Công trình, Thi công xây dựng công trình, Giám sát các hoạt động xây dựng, không chỉ giám sát việc thi công xây dựng công trình mà còn cả các công tác giám sát việc khảo sát, thiết kế .v.v..; Quản lý việc xây dựng, cần quy định đầy đủ Quyền và Nghĩa vụ cụ thể cho tất cả các chủ thể liên quan thực hiện, xã hội quản lý chứ không phải chỉ có các cơ quan QLNN mới quản lý. Sau đó, Nhà nước chủ yếu giám sát các chủ thể để thực hiện đầy đủ các Quyển và Nghĩa vụ của mình đã được Pháp luật quy định, Các cơ quan QLNN không làm thay.

Những vấn đề đã được kiểm chứng trong thực tế, thì nên quy định chi tiết trong Luật để  áp dụng thực hiện, hạn chế tối đa việc phải chờ Nghị định của Chính phủ triển khai hoặc Thông tư hướng dẫn; Còn các nội dung khác của Luật Xây Dựng được ban hành năm 2003, đề cập đến Quyền và Nghĩa vụ của các Chủ thể kể cả Cơ quan QLNN liên quan đến các lĩnh vực khác như vốn Đầu tư , Quy hoạch, Bồi hoàn GPMB, Phát triển nhà ở, Kinh doanh bất động sản,v.v. dù hiện vẫn còn những bất cập,  chưa phù hợp với thực tiễn hoặc chưa đề cập đầy đủ, đề nghị sẽ điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung ở các bộ luật ngành có liên quan (như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, v.v),  không nên đưa vào Luật xây Dựng sửa đổi, bổ sung lần này.

Các nội dung của Luật Xây Dựng 2003 khi xem xét thấy có trùng lắp, chồng chéo, chưa thống nhất, đồng bộ, hay mâu thuẫn so với các Luật khác (chứ không phải so với các quy định của các Nghị định Chính phủ ban hành)  mà nội dung của Luật Xây dựng không thực hiện được, không phù hợp với thực tiễn thì mới sửa đổi, bổ sung. Thực tế, Dự thảo sửa đổi Luật Xây dựng đã đưa nhiều nội dung của các Nghị định như NĐ 12/CP về Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình, NĐ 112/CP về Quản lý chi phí xây dựng, NĐ 64/CP về Cấp phép xây dựng, NĐ 15/CP về Quản lý chất lượng công trình xây dựng,..v.v, được Chính phủ ban hành, nhưng trong thực tế triển khai gặp rất nhiều vướng mắc, thậm chí không phù hợp với thực tiễn; Kiến nghị không đưa nội dung các Nghị định của Chính phủ chưa được kiểm chứng trong thực tiễn vào Luật.

II. Về góp ý cụ thể sửa đổi bổ sung Luật Xây dựng

Về Vấn đề Quy hoạch Xây dựng

Không nên dưa nội dung liên quan đến Quy hoạch xây dựng vào Luật Xây dựng sửa đổi vì  hiện nay Luật Quy hoạch đô thị (2009) có hiệu lực từ 1/1/2010 đã quy định cụ thể và chi tiết hơn đối với công tác lập, thẩm định, phê duyệt  và quản lý các đồ án quy hoạch đô thị;

Các nội dung khác liên quan đến quy hoạch xây dựng các khu chức năng đặc thù như khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch, khu bảo tồn,v.v... chưa có quy định cụ thể trong Luật Xây dựng và luật Quy hoạch đô thị, dẫn tới triển khai trong thực tế còn gặp nhiều vướng mắc; hoặc  những quy định hiện nay về quy hoạch xây dựng vùng và quy hoạch xây dựng các điểm dân cư nông thôn chưa đầy đủ thì cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cụ thể, chi tiết hơn  nhưng không nên đưa vào nội dung của Luật Xây dựng sửa đổi lần này, đề nghị bổ sung trong Luật Quy hoạch đô thị.

2) Về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng

Hiện nay Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã có hiệu lực, đề nghị điều chỉnh cụm từ “Quy chuẩn kỹ thuật, Tiêu chuẩn xây dựng” trong bản dự thảo thành “Quy chuẩn kỹ thuật, Tiêu chuẩn quốc gia” trong toàn văn bản cho thống nhất với quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Thuật ngữ “quy chuẩn kỹ thuật” ở đây phải được hiểu là có cả quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật địa phương.

3) Về Phân loại, phân cấp công trình  

Hiện nay  đã có QCVN 03:2012/BXD của Bộ Xây Dựng ban hành về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nguyên tắc phân loại , phân cấp công trình Dân dụng, Công nghiệp và Hạ tầng kỹ thuật đô thị, tuy nhiên rất khó áp dụng trong việc xác định cấp công trình, đặc biệt chưa đề cập đến yếu tố giá trị sử dụng của công trình (kể cả giá trị vật chất lẫn tinh thần). Thực tế có một số công trình quy mô có thể nhỏ nhưng có tầm quan trọng, giá trị sử dụng cao, đặc biệt là giá trị tinh thần  (ví dụ các Tượng đài Danh nhân, công trình biểu tượng văn hóa.v.v…); 

Do đó cần phân định rõ các khái niệm loại và cấp công trình; nên đưa vào Luật xây dựng các nội dung  đề cập đến nguyên tắc, các quy định đơn giản để dễ phân biệt và áp dụng. Còn các tiêu chí liên quan đến các yếu tố kỹ thuật thì chính phủ sẽ ban hành các tiêu chuẩn quốc gia và có hướng dẫn thực hiện, phù hợp với từng thời kỳ phát triển của đất nước. Không cần thiết đề cập đến yếu tố kỹ thuật và vật liệu xây dựng trong việc phân cấp công trình vì  yếu tố giá trị sử dụng & quy mô công trình sẽ quy định cấp công trình và quyết định yếu tố kỹ thuật và vật liệu xây dựng như thế nào; Hơn nữa, yếu tố kỹ thuật và vật liệu xây dựng sẽ phát triển theo thời gian, phụ thuộc vào sự phát triển của Khoa học công nghệ.

Góp ý cụ thể cho dự thảo sửa đổi Luật như sau:

* “Những nguyên tắc, các quy định cơ bản để phân loại, cấp công trình”  là cần thiết nên đưa vào Luật xây dựng; trong đó điều chỉnh bổ sung “Chính phủ ban hành các tiêu chuẩn quốc gia có liên quan, hướng dẫn (chứ không quy định) việc phân loại, cấp công trình và triển khai thực hiện“.

* Loại công trình xác định theo công năng sử dụng (Công trình Văn hóa – Di tích lịch sử - Bảo tàng,…; TDTT; Bệnh viện; Trường học; TT Thương mại; Văn phòng; Nhà ở; Công trình Quốc phòng; v.v...)

* Cấp công trình xác định theo loại công trình và căn cứ theo các tiêu chí cơ bản, trước hết là (i) giá trị sử dụng ( kể cả giá trị vật chất lẫn tinh thần, có thể phân chia theo các hạng: Rất cao, Cao, Bình thường, thấp), (ii) quy mô (Tầng cao, Tổng diện tích sàn XD); (iii) tuổi thọ công trình  (quy định chi tiết niên hạn sử dụng: dưới 20 năm, từ 20 năm đến dưới 50 năm, từ 50 năm đến 100 năm và trên 100 năm) . 

4) Về Dự án đầu tư xây dựng công trình 

- Cần phân định rõ các khái niệm “Dự án đầu tư“ và “Dự án xây dựng”;

+  Dự án đầu tư là một tập hợp các nội dung liên quan đến hoạt động, quá trình  bỏ vốn,  quản lý sử dụng vốn đầu tư sao cho hiệu quả nhất để thực hiện một công việc cụ thể, có thể  là việc xây dựng công trình,...;

+ Dự án xây dựng là một tập hợp các nội dung, nhóm giải pháp liên quan đến hoạt động xây dựng một công trình, hoặc một tổ hợp công trình, trong đó đã xác định cụ thể Chủ đầu tư (Tổ chức hoặc cá nhân bỏ vốn xây dựng công trình), Nguồn vốn (kinh phí thực hiện cho cả công trình hay từng hạng mục xây lắp, trang thiết bị,v.v.) , kế hoạch (thời gian cho từng công đoạn xây dựng), giải pháp (phương án thiết kế kỹ thuật), phương thức quản lý (Tổ chức quản lý việc xây dựng, phương thức chọn và xác định  nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát xây dựng, bảo trì sử dụng.,v.v.),  Quản lý việc xây dựng (Quản lý tổ chức triển khai thực hiện thi công xây dựng), Quản lý và vận hành (quy trình quản lý sử dụng sau khi xây dựng xong). 

- Về dự án xây dựng công trình, có nhiều loại công trình, sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau như vốn nhà nước (Vốn ngân sách, vốn bảo lãnh của nhà nước, vốn đầu tư của nhà nước,...), các loại vốn khác như vốn đầu tư nước ngoài (trực tiếp và gián tiếp), vốn tư nhân,v.v,..;  

Công tác quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình được quy định trong Luật Xây Dựng (2003) chưa phân định rõ sự khác biệt về chức năng QLNN nói chung đối với tất cả các dự án (sử dụng mọi nguồn vốn khác nhau) và dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước; các yêu cầu quản lý đối với dự án sử dụng vốn ngân sách chưa được quy định chi tiết, cụ thể; còn các dự án sử dụng vốn khác ngoài NSNN cũng yêu cầu giống như  dự án sử dụng vốn NSNN là chưa đúng, chưa phù hợp với thực tiễn;

Ngược lại, trong dự thảo Luật Xây Dựng sửa đổi, chủ yếu tập trung đề cập và sổ sung các quy định chi tiết các công việc liên quan đến quản lý đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước nhưng chưa đầy đủ; Còn các  yêu cầu, nội dung quản lý NN đối với dự án sử dụng vốn khác không phải của nhà nước thì chưa rõ ràng, khó áp dụng hoặc có nội dung giống như quản lý đối với dự án sử dụng vốn nhà nước là chưa phù hợp;

Thực tế cho thấy hiện nay công tác QLNN về xây dựng chưa được hiệu quả , còn chồng chéo và bất cập do chưa tách bạch nội dung QLNN về  đầu tư và QLNN về hoạt động xây dựng;  Để  công tác QLNN về xây dựng ngày càng được hiệu quả, đồng thời phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan QLNN, kiến nghị:

*  Mỗi loại dự án, tùy theo tính chất và nguồn vốn sử dụng, Nhà nước sẽ có cách quản lý khác nhau; Việc quản lý  cụ thể tùy theo tính chất của dự án (loại hình, nguồn vốn,..)  sẽ  được đề cập trong  các quy định pháp luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật kinh doanh bất động sản, Luật Ngân sách, Luật đấu thầu, v.v.., hay những quy định của Chính phủ đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước ; Nên tách bạch việc quản lý nhà nước về đầu tư và quản lý nhà nước về xây dựng;  Việc quản lý đầu tư sẽ được đề cập trong Luật Đầu tư,  việc quản lý xây dựng sẽ được đề cập trong Luật Xây Dựng, hay việc quản lý hoạt động KD BĐS sẽ được đề cập trong luật kinh doanh BĐS,..v.v; 

* Cần xác định rõ, cụ thể những nội dung nhà nước quản lý nói chung đối với dự án XD mà  không phân biệt dự án của Chủ đầu tư là cơ quan nhà nhà nước hay không phải nhà nước. Khi đó Quyền và nghĩa vụ của tất cả các Chủ đầu tư  đều như nhau, và việc quản lý cũng như trách nhiệm của các cơ quan QLNN về xây dựng sẽ hiệu quả, rõ ràng, không  chồng chéo và bất cập như hiện nay. Để quy định rõ hơn trách nhiệm của chủ đầu tư đối với việc xây dựng công trình, cần quy định cụ thể các nội dung cơ bản mà chủ đầu tư phải phê duyệt dự án liên quan đến tổng mức đầu tư xây dựng của công trình như quy mô, tổng diện tích sàn, giải pháp kỹ thuật công trình, PCCC, giải pháp bảo vệ môi trường cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu,... mà chủ đầu tư phải thực hiện đảm bảo theo các quy định pháp luật, và theo nội dung chấp thuận đầu tư  cụ thể của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (đối với các dự án đầu tư kinh doanh có điều kiện như đầu tư xây dựng nhà ở kinh doanh để bán hoặc cho thuê,...) hay các công trình đặc biệt có giá trị cao, đông người ảnh hưởng đến cộng đồng,v.v, chứ nhà nước sẽ không phê duyệt tất cả các dự án, ngoại trừ dự án của công trình sử dụng vốn ngân sách.

* Bên cạnh đó, đối với dự án sử dụng vốn nhà nước thì phải có các quy định hết sức cụ thể, càng chi tiết càng tốt về việc quản lý vốn nhưng sẽ được đề cập trong các quy định của Chính phủ để áp dụng hoặc  kiến nghị Quốc hội ban hành Luật đầu tư sử dụng vốn Nhà nước; không nên đưa các quy định liên quan đến Quyền và trách nhiệm của người quyết định đầu tư, thẩm quyền phê duyệt và quản lý vốn của dự án vào nội dung Luật xây dựng. Luật Xây dựng chỉ nên đề cập đến Chủ đầu tư xây dựng công trình là tổ chức hoặc cá nhân sở hữu vốn trực tiếp hoặc thay mặt, đại diện chủ sở hữu theo pháp luật để thực hiện hoạt động xây dựng công trình.

5) Về thiết kế xây dựng công trình

Để chất lượng công trình xây dựng nói chung ngày càng được nâng cao, phát huy sự đóng góp chủ động trí tuệ của toàn xã hội và nâng cao hiệu quả của công tác QLNN về chất lượng công trình xây dựng, cần quy định các bước thiết kế xây dựng theo loại và cấp công trình  và bắt buộc áp dụng đối với tất cả các công trình ngoại trừ các công trình được miễn cấp phép xây dựng (công trình khẩn cấp, công trình bí mật quốc phòng, công trình tạm cho việc xây dựng công trình chính);

Tuy nhiên cần phải có các quy định cụ thể các bước thiết kế đối với từng loại và cấp công trình để tránh lãng phí, cũng như quy định cụ thể Quyền và Nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan, nhất là Chủ đầu tư, Tư vấn khảo sát, Thiết kế,... xã hội hóa việc quản lý chất lượng xây dựng công trình nhưng không khoán trắng cho tư vấn thiết kế, CĐT phải kiểm tra, giám sát công tác thiết kế; Hơn nữa, tùy theo loại và cấp công trình, pháp luật sẽ quy định các bước thiết kế bắt buộc mà Chủ đầu tư phải thực hiện, kiểm tra giám sát theo đúng quy định pháp luật, chứ không phải do Chủ đầu tư tự quyết định kể cả CĐT sử dụng vốn ngân sách; Đặc biệt đối với công trình sử dụng vốn ngân sách còn phải quy định nội dung các bước thiết kế chi tiết hơn. 

Trong thực tế, do nhiều nguyên nhân, có thể do chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, hồ sơ thiết kế không đảm bảo chất lượng, đơn vị tư vấn thực hiện theo yêu cầu của Chủ đầu tư mà bỏ qua các nội dung hoặc thực hiện sai quy định, dẫn đến thiết kế xây dựng công trình không đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc. Do đó Kiến nghị sửa đổi bổ sung Luật xây dựng.

* Quy định chi tiết các bước thiết kế đối với từng loại, cấp công trình cụ thể, phải được áp dụng chung cho tất cả các công trình (ngoại trừ một số công trình được miễn GPXD) nhưng do Pháp Luật quy định chứ không phải người quyết định đầu tư quyết định  và Chính phủ hướng dẫn (chứ không quy định) cụ thể các bước thiết kế đối với từng loại công trình  theo đề xuất của dự thảo sửa đổi;

* Quy định cụ thể các biện pháp chế tài đối với chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, khảo sát,..., tùy theo trách nhiệm của từng chủ thể liên quan do thiết kế không đảm bảo các quy định pháp luật về xây dựng dẫn đến việc xây dựng công trình có sai phạm.

6) Về thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình:

Tương tự quan điểm ở phần góp ý đối với việc thiết kế xây dựng công trình, để việc quản lý chất lượng công trình xây dựng nói chung ngày càng được nâng cao, xã hội hóa việc quản lý chất lượng xây dựng công trình ở nước ta, hạn chế rủi ro xảy ra sự cố công trình đến mức thấp nhất, đồng thời cải cách thủ tục hành chánh QLNN một cách hiệu quả, nhưng không làm mất vai trò quản lý nhà nước; Nhà nước chỉ nên quản lý việc xây dựng đảm bảo về quy hoạch, an toàn công trình, PCCC,…v.v, thông qua  Giấy phép xây dựng, chú trọng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật, Tiêu chuẩn quốc gia để áp dụng, đồng thời  quy định chi tiết công việc thẩm định, thẩm tra thiết kế kỹ thuật đối với từng loại cấp công trình, còn việc tổ chức thẩm tra thiết kế nói chung, bản vẽ kết cấu công trình cụ thể,... giao cho các công ty tư vấn thực hiện.  Các cơ quan QLNN về xây dựng chỉ thẩm tra đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách;  do đó, cần quy định rõ:

+ Đối với từng loại, cấp công trình nào (được quy định theo giá trị sử dụng, quy mô, niên hạn sử dụng,..) thì hồ sơ  thiết kế xây dựng công trình  phải được thẩm định và bắt buộc áp dụng , Đối với từng loại, cấp công trình cụ thể  nào thì không bắt buộc phải thẩm định (ví dụ công trình có giá trị sử dụng thấp, dưới 3 tầng, niên hạn sử dụng dưới 20 năm), cũng như các công trình được miễn phép xây dựng (công trình khẩn cấp, công trình bí mật quốc phòng, công trình tạm cho việc xây dựng công trình chính), tùy chủ đầu tư quyết định; Việc thẩm định phải do các cá nhân hoặc tổ chức có năng lực chuyên môn thẩm định theo quy định, chứ không phải do cơ quan QLNN thẩm định;

+ Ngoài ra,  cần phân biệt công trình sử dụng vốn ngân sách và không sử dụng vốn ngân sách, Cơ quan QLNN chỉ thẩm định thiết kế cơ sở đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách, nhưng cũng không làm mất đi vai trò và trách nhiệm của chủ đầu tư;

Về góp ý cụ thể:  Đề nghị sửa đổi Luật Xây dựng liên quan đến quy định về thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng công trình và tại điều 62 của dự thảo Luật sửa đổi,như sau:

* “Chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm về việc thẩm định thiết kế và các nội dung khác của dự án đầu tư xây dựng công trình trước khi phê duyệt dự án; Đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách, hay các công trình đặc biệt có giá trị cao, đông người ảnh hưởng đến cộng đồng,v.v, cơ quan quản lý nhà nước thẩm định thiết kế cơ sở, còn chủ đầu tư vẫn phải chịu trách nhiệm về việc tổ chức thẩm định thiết kế và các nội dung khác của dự án đầu tư xây dựng công trình trước khi phê duyệt dự án”; Không quy định thiết kế cơ sở của tất cả các công trình sử dụng vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng thẩm định trước khi chủ đầu tư phê duyệt dự án;

* Bổ sung nội dung: “Đối với các công trình ảnh hưởng tới an toàn cộng đồng thì thiết kế chỉ được phê duyệt khi đã được cơ quan QLNN về xây dựng thẩm định,…”  cần quy định cụ thể là ảnh hưởng tới an toàn cộng đồng như thế nào, dù chỉ là các nguyên tắc, và giao Chính phủ có hướng dẫn thực hiện.

* “Chính phủ quy định cụ thể về thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng đối với công trình sử dụng vốn ngân sách”; Còn các yêu cầu chung về việc  phải thẩm định đối với từng loại cấp cụ thể của tất cả các công trình cần đưa vào trong nội dung của Luật Xây dựng.

7) Về Giấy phép xây dựng

Theo quan điểm góp ý sửa đổi bổ sung Luật xây dựng như đã nêu ở phần đầu, Luật Xây dựng nên giới hạn và tập trung vào công tác “Xây Dựng”, đề ra những quy định liên quan đến hoạt động xây dựng,  điều kiện thủ tục liên quan trực tiếp đến việc xây dựng các công trình được đơn giản, thuận lợi, dễ dàng, nhưng đảm bảo các yêu cầu cơ bản như  quy hoạch, môi trường, an toàn PCCC,.v.v..., đồng thời để cho các cơ quan QLNN giám sát, theo dõi, thanh tra xây dựng được hiệu quả; Còn việc quản lý dự án đầu tư, tùy theo tính chất và nguồn vốn sử dụng, Nhà nước sẽ có những quy định  quản lý riêng; Do đó nên áp dụng chung cấp phép xây dựng cho tất cả các lọai công trình để dễ theo dõi kiểm tra việc xây dựng, ngoại trừ các Công trình bí mật nhà nước, công trình theo lệnh khẩn cấp, công trình tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính.

Về góp ý cụ thể đối với chương V của dự thảo sửa đổi Luật Xây dựng: 

- Tại Điều 67, về Giấy phép xây dựng   

a) Để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật, Luật do Quốc Hội ban hành đã quy định cụ thể các loại công trình được miễn giấy phép xây dựng, do đó Chính phủ không  được quy định thêm một số loại công trình nữa mà chỉ  hướng dẫn chi tiết các công trình được miễn phép phù hợp với quy định của Luật.

b)  Cần quy định cụ thể “Công trình quy mô cấp I, cấp đặc biệt nếu có công trình ngầm thì có thể xét cấp giấy phép xây dựng thành hai giai đoạn, gồm giai đoạn phần ngầm dưới mặt đất và giai đoạn phần trên mặt đất nếu chủ đầu tư có yêu cầu”. Vì phần ngầm xây dựng dưới mặt đất trong ranh đất đã được xác định tại các giấy tờ về quyền sử dụng đất và phải phù hợp với quy hoạch không gian ngầm đô thị (nếu có); còn lại phần trên mặt đất phải đảm bảo phù hợp  các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc theo đồ án quy hoạch xây dựng được duyệt, hay các Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị (nếu có).

c) Nhằm tránh tình trạng chủ đầu tư đề nghị cấp giấy phép xây dựng cho từng công trình hoặc một số công trình thuộc dự án khi chưa đầu tư xây dựng phần hạ tầng kỹ thuật của dự án, đề nghị quy định cụ thể: “Dự án gồm nhiều công trình, giấy phép xây dựng được cấp cho toàn bộ dự án. Trường hợp cấp cho một, một số công trình hay nhóm công trình riêng lẻ theo từng ô phố thuộc dự án chỉ được xem xét khi dự án đã được đầu tư xây dựng phần hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.”

- Tại Điều 69 về điều kiện cấp giấy phép xây dựng

Hiện nay Luật Quy hoạch đô thị đã quy định quy hoạch chi tiết là quy hoạch tỷ lệ 1/500; Thực tế tại thành phố và cũng như các tỉnh thành khác, việc lập quy hoạch tỷ lệ 1/500 chủ yếu được thực hiện trong các dự án phát triển đô thị mới, các dự án phát triển nhà ở,.v.v..., và do chủ đầu tư thực hiện; Còn lại trong các khu vực hiện hữu, hoặc chỉnh trang, việc cơ quan QLNN phải tổ chức lập và phê duyệt xong các đồ án quy hoach phân khu hoặc quy hoạch chi tiết 1/2000 để quản lý việc xây dựng cũng chậm do nhiều nguyên nhân, do vốn ngân sách không đủ, năng lực các đơn vị tư vấn thiết quy hoạch hạn chế và ngay cả việc lấy ý kiến của người dân cũng rất khó khăn nên kéo dài thời gian;

Dó đó, nếu quy định việc CPXD phải phù hợp quy hoạch chi tiết là không khả thi. Đề nghị ở nội dung đề cập trong Luật xây dựng, nên điều chỉnh điều kiện CPXD  là phải “Phù hợp với quy hoạch xây dựng” hoặc  “các quy chế quản lý, các quy định về quản lý quy hoạch, kiến trúc cho từng khu vực cụ thể của cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

- Tại Điều 70 về điều kiện cấp giấy phép xây dựng tạm

Để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của Nhà nước, Chủ đầu tư, đặc biệt là quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng khi thực hiện quy hoạch; đề nghị như sau:

* Đối với các lô đất thuộc phạm vi lộ giới của các tuyến đường quốc lộ, Tỉnh lộ liên tỉnh đã có quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và đã công bố nhưng chưa thực hiện; Được cấp Giấy phép xây dựng tạm; Tổ chức hoặc cá nhân đề nghị cấp giấy phép xây dựng tạm, phải cam kết tự phá dỡ khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện quy hoạch; Trường hợp có Quyền sử dụng đất được giao trước khi công bố quy hoạch thì được bồi thường theo quy định;  Trường hợp  nhà nước giao đất sử dụng tạm thì được hỗ trợ di dời”

* Còn lại, đối với  các lô đất thuộc phạm vi các dự án đã có quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và đã công bố nhưng chưa thực hiện; Được cấp Giấy phép xây dựng tạm; Tổ chức hoặc cá nhân đề nghị cấp giấy phép xây dựng tạm, phải cam kết tự phá dỡ; Không được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện quy hoạch nếu trước thời hạn quy định trong giấy phép xây dựng tạm; Được bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện quy hoạch sau thời hạn quy định trong giấy phép xây dựng tạm

- Tại Điều 71 về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng

Trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng, kiến nghị không yêu cầu phải nộp “các bản vẽ kết cấu chịu lực chính (móng, khung, tường, mái chịu lực)”, vì trong giai đoạn sau khi có giấy phép xây dựng, Chủ đầu tư phải thực hiện thiết kế bản vẽ thi công  mới đủ  điều kiện khởi công xây dựng công trình theo  điều 72 của Luật Xây dựng hoặc  Điều 75 của dự thảo Luật sửa đổi.

- Tại Điều 72 về thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng

Đề nghị sửa đổi theo hướng giao thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng cho phù hợp với điều kiện năng lực, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trực thuộc và phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi địa phương.

- Tại Điều 74 về quyền và nghĩa vụ của người đề nghị cấp giấy phép xây dựng

Đề  nghị sửa đổi như sau: “Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép xây dựng phải chịu trách nhiệm về tính trung thực của hồ sơ bản vẽ để cấp giấy phép xây dựng và phải chịu mọi hậu quả phát sinh do hồ sơ không đảm bảo tính trung thực gây ra”.

8) Về lựa chọn nhà thầu  và hợp đồng trong hoạt động xây dựng

Hiện nay, việc lựa chọn nhà thầu và hợp đồng trong hoạt động xây dựng đã được quy định trong Luật Đấu thầu 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản (gọi tắt là Luật số 38/2009/QH12). Thực tế vẫn còn nhiều bất cập và chồng chéo của Luật xây dựng và Quốc hội đang dự thảo Luật đấu thầu sửa đổi; 

Kiến nghị  nên thống nhất và đưa vào dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi. Nếu cần thiết phải đưa vào trong Luật Xây dựng thì  cần có quy định cụ thể hơn cho việc lựa chọn nhà thầu và hợp đồng trong hoạt động xây dựng đặc thù để nâng cao hơn nữa chất lượng và tiến độ thực hiện dự án từng bước nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách.

9) Về điều kiện năng lực hoạt động của tổ chức cá nhân hoạt động xây dựng

Các nội dung đã được đề cập của dự thảo luật xây dựng là phù hợp, trong đó có việc quản lý điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của các tổ chức và cá nhân hoạt động xây dựng là cần thiết, tuy nhiên chưa quy định cụ thể cơ quan, tổ chức nào có trách nhiệm cấp chứng chỉ hành nghề cho từng hoạt động xây dựng;

Hiện nay, theo quy định của NĐ 12/CP của Chính phủ, cơ quan QLNN trực tiếp cấp Chứng chỉ hành nghề cho các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, nhưng thực chất không quản lý được hoạt động cụ thể của các đối tượng được cấp; Nhà nước cần xã hội hóa việc quản lý này, do đó kiến nghị bổ sung trong Luật xây dựng  nội dung giao các, Hội, Hiệp hội ngành nghề chuyên môn như Hội Quy hoạch, Hội Kiến trúc sư, Hội Xây Dựng, Hiệp hội Bất động sản,... cấp Chứng chỉ hành nghề cho các tổ chức và cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực liên quan;

Nhà nước quy định rõ Quyền và nghĩa vụ của tất cả các chủ thể có liên quan hoạt động trong lĩnh vực xây dựng; tuy nhiên chủ yếu quản lý và Giám sát trực tiếp các hoạt động của các Hội nghề nghiệp. Đặc biệt quy định cụ thể  Quyền và nghĩa vụ của các Hội nghề nghiệp cũng như các  quan QLNN để có trách nhiệm hơn, phát huy sức mạnh của nhiều thành phần trong xã hội tham gia quản lý & phát triển ngành xây dựng.

10) Về  Vật liệu xây dựng:

Theo quy định của Luật Xây dựng, không có chương, điều khoản riêng quy định về quản lý vật liệu xây dựng (VLXD), trong khi VLXD là một trong những bộ phận cấu thành cơ bản, góp phần quyết định chất lượng công trình. Do đó, đề xuất nội dung quản lý VLXD cần được quy định thành một chương riêng trong Luật Xây dựng để có hành lang pháp lý về quản lý VLXD sản xuất, kinh doanh, lưu thông trên thị trường và sử dụng trong công trình xây dựng. 

Tác giả: TH.S. KTS. PHAN TRƯỜNG SƠN

Trưởng phòng Phát triển Đô thị - SXD

Nguồn: Khác

Số lượng lượt xem: 535
Tin mới hơn
Tin đã đưa