title Quản lý chất lượng công trình xây dựng

Sự cố xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
Thứ sáu, 19/02/2016, 17:00 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

VỀ SỰ CỐ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

Xác định sự cố

Theo định nghĩa tại Khoản 34 – Điều 3 – Luật Xây dựng 2014, sự cố công trình xây dựng là những hư hỏng vượt quá giới hạn an toàn cho phép, làm cho công trình xây dựng hoặc kết cấu phụ trợ thi công xây dựng công trình có nguy cơ sập đổ, đã sập đổ một phần hoặc toàn bộ trong quá trình thi công xây dựng và khai thác sử dụng công trình.

Như vậy, để xác định là sự cố công trình xây dựng, phải có các yếu tố sau:

Đối tượng bị hư hỏng: công trình xây dựng hoặc kết cấu phụ trợ thi công xây dựng;

Hiện tượng hư hỏng:  có nguy cơ sập đổ, đã sập đổ một phần hoặc toàn bộ.

Về khả năng xảy ra sự cố

Khi xây dựng hoặc khai thác, sử dụng công trình, khả năng xảy ra sự cố luôn có. Tuy nhiên, khả năng xảy ra cao hay thấp hoặc rất thấp phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan.

Khách quan: điều kiện phức tạp của địa chất, thủy văn công trình, kết cấu ngầm hiện hữu, công trình lân cận không đảm bảo chất lượng hoặc quá niên hạn, mưa bão bất thường ...

Chủ quan: thực hiện các công việc khảo sát, thiết kế, quản lý dự án, thi công, giám sát, quan trắc, bảo trì công trình, ... chưa thật đầy đủ, có sai sót. 

CÁC SỰ CỐ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRONG THỜI GIAN QUA

Trong năm 2014 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 08 sự cố công trình xây dựng xảy ra trong thi công xây dựng và khi đang khai thác, sử dụng.

Lật cẩu tại công trình số 1 Phạm Ngũ Lão, P.Nguyễn Thái Bình, Quận 1 làm sập một phần tường rào Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố ngày 04/01/2014. Nguyên nhân do tổ chức vận hành cần cẩu không đảm bảo an toàn (bánh xích cẩu bị lún nghiêng).

Sập tường tại Trung tâm tài chính Quốc tế, Phú Mỹ Hưng, Quận 7 ngày 12/6/2014 làm chết 2 người. Trong quá trình thi công, sập đổ bức tường ở tầng 2 (tường dày 200mm cao 4m mới xây xong và chuẩn bị đổ cột, giằng tường). Nguyên nhân do thực hiện biện pháp thi công, sử dụng giàn giáo chưa đảm bảo an toàn.

Sập trần nhà thi đấu lớn tại Trung tâm Thể dục Thể thao Phan Đình Phùng, Quận 3 ngày 02/9/2014 do cải tạo không phù hợp và không thực hiện kiểm tra, bảo trì.

Nghiêng, lún 02 căn nhà số 97 và 101 Cống Hộp Rạch Bùng Binh, Quận 3 ngày 04/10/2014 do nhà 99 tháo dở và thi công ép cọc móng.  Nguyên nhân: không khảo sát hiện trạng các công trình lân cận, không có biện pháp phòng ngừa ảnh hưởng.

Sụp nền nhà số 115C Trần Quốc Thảo, Quận 3 tạo hố có đường kính khoảng 7m,  sâu 5m. Nguyên nhân do nhà xây trên kết cấu giếng nước cũ.

Nổ tại căn nhà số 66/2 Lê Thị Riêng, khu phố 5, phường Thới An, Quận 12 ngày 17/10/2014 làm 85 căn nhà bị hư hỏng, trong đó có 22 căn nhà không sử dụng được (08 căn cần phải đập bỏ xây mới; 14 căn nhà phải được sửa chữa, gia cố và thực hiện quan trắc lún trước khi đưa vào sử dụng lại). Nguyên nhân do vi phạm quy định về lưu trữ, sử dụng các chất gây cháy nổ.

Cháy nhà số 180 Trần Quốc Thảo, Phường 7, Quận 3 ngày 30/12/2014 làm ảnh hưởng 07 căn nhà lân cận, có 02 trường hợp hư hỏng nặng. Nguyên nhân vi phạm về PCCC trong quá trình sử dụng (lắp đặt biển hiệu không đảm bảo PCCC).

Nhà dân bị hư hỏng lân cận công trình xây dựng dự án đường nối Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài trên địa bàn quận Thủ Đức (43 nhà dân lân cận Dự án). Nguyên nhân do ảnh hưởng công tác thi công của Dự án (đóng và nhổ cừ larsen, lu lèn nền đường). Vụ việc này phát sinh từ năm 2012 đến nay vẫn đang trong quá trình giải quyết.

Trong 09 tháng đầu năm trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 06 sự cố

Sập giàn giáo ngày 09/01/2015 tại công trình xây dựng Trung tâm thông tin khoa học và công nghệ khu vực phía Nam, tại địa chỉ 1196 Đường 3 tháng 2, Phường 8, Quận 11 làm sập hoàn toàn một phần dàn giáo kéo theo sập một phần sàn xây dựng tầng 7. Nguyên nhân do thi công lắp đặt giàn giáo không đảm bảo an toàn.

Sự cố rơi khối bê tông đối trọng cần cẩu tại tầng thượng công trình số 19 Cao Thắng, Phường 2, Quận 3 ngày 13/3/2015 làm thủng sê nô và sàn sân thượng nhà lân cận. Nguyên nhân do bất cẩn trong thao tác lắp đặt cẩu.

Sự cố gây ảnh hưởng Cầu bộ hành số 3 và đường Võ Văn Kiệt bên dưới do thi công công trình City Gate Towers tại Phường 16, Quận 8 (tháng 6/2015). Nguyên nhân do đào tầng hầm công trình gây chuyển vị nền đất ảnh hưởng công trình lân cận.

Sập giàn giáo và sàn BTCT đang đổ bê tông ngày 10/7/2015 tại công trường xây dựng Tòa nhà văn phòng Nam Sài Gòn 1 ở đường Nguyễn Văn Linh, P.Tân Phong, Quận 7. Nguyên nhân do lắp đặt, sử dụng giàn giáo không đảm bảo kỹ thuật an toàn.

Nghiêng nhà số 72/34/20A Trương Quốc Dung, Phường 10, quận Phú Nhuận do công trình kế bên đào móng. Nguyên nhân do biện pháp thi công không phù hợp, không có biện pháp phòng ngừa ảnh hưởng công trình lân cận.

Sự cố ngã xe cần cẩu tại công trình xây dựng Văn phòng kết hợp căn hộ số 504 Nguyễn Tất Thành, Phường 18, Quận 4 đè lên nhà số 01 Tôn Thất Thuyết, Quận 4, gây nứt tường. Nguyên nhân do vận hành cẩu không đúng kỹ thuật an toàn.

 

VIỆC THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA SỰ CỐ

Phòng ngừa sự số xây dựng nằm trong chính việc thực hiện đảm bảo chất lượng công trình, an toàn thi công. Những quy định hiện hành về quản lý chất lượng xây dựng, đảm bảo an toàn đã được ban hành từ luật, các nghị định, thông tư, quy chuẩn liên quan; riêng quy định cụ thể về phòng ngừa sự cố thi công chỉ có trong nội dung về của các văn bản là Chỉ thị số 07/2007/CT-BXD ngày 05/11/2007 của Bộ Xây dựng Về tăng cường công tác quản lý xây dựng đối với các công trình xây dựng nhà cao tầng và Chỉ thị số 19/2014/CT-UBND ngày 25/8/2014 của Ủy ban nhân dân thành phố Về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước đối với quản lý chất lượng công trình xây dựng và an toàn thi công xây dựng trên địa bàn Thành phố.

Trách nhiệm cụ thể thực hiện việc đảm bảo chất lượng và an toàn xây dựng là của các đơn vị trực tiếp tham gia xây dựng (chủ đầu tư, quản lý dự án, khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát, thí nghiệm); các cơ quan quản lý Nhà nước chỉ kiểm tra việc tuân thủ các quy định, không thể kiểm soát kỹ thuật thi công chi tiết của công trình ở hiện trường.

Tuy nhiên, qua các đợt kiểm tra định ký và kiểm tra nghiệm thu công trình của Sở Xây dựng, nhận thấy các đơn vị vẫn còn thiếu sót khi tham gia xây dựng, cả trong tuân thủ quy định và thực hành giảm thiểu nguy cơ sự cố, cụ thể:

Về khảo sát xây dựng, một số trường hợp bỏ qua bước khảo sát phục vụ thiết kế thi công (sử dụng kết quả khảo sát trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư), không khảo sát hiện trạng công trình lân cận, thiếu tìm hiểu lịch sử xây dựng tại mặt bằng công trường.

Trong giai đoạn thiết kế, thường chỉ căn cứ trên yêu cầu về quy mô, tính chất công trình và điều kiện địa chất mà không quan tâm điều kiện thực tế hiện trường để có thiết kế phù hợp, giảm rủi ro, hạn chế ảnh hưởng công trình lân cận (nhất là thiết kế kết cấu móng, tầng hầm).

Khi vào giai đoạn thi công, một số đơn vị thi công không tuân thủ quy định về thẩm tra, thẩm định thiết kế biện pháp thi công, không khảo sát bổ sung phục vụ lập phương án dẫn đến lập biện pháp thi công không phù hợp, có sai sót làm xảy ra sự cố tại chính công trình hoặc ảnh hưởng công trình lân cận.  Tư vấn giám sát không thực hiện hết trách nhiệm, lơ là, không có mặt thường xuyên khi công trình thi công; hoặc có tình trạng các công ty tư vấn lại thường đưa những nhân viên trẻ, chưa có kinh nghiệm đi giám sát tại công trường, trong khi lẽ ra phải giao cho những nhân viên đủ kinh nghiệm mới có khả năng đánh giá được mức độ an toàn của giải pháp thi công.

Trong giai đoạn sử dụng, hạn chế về công tác bảo trì là vấn đề phổ biến tại các công trình. Nhiều công trình không có quy trình bảo trì, không thực hiện kiểm tra, kiểm định đánh giá chất lượng định kỳ để có biện pháp sửa chữa, duy tu. Nhiều trường hợp khi cải tạo lại thực hiện sai về kỹ thuật, gây ảnh hưởng bất lợi cho chất lượng công trình.

Về phía các cơ quan quản lý xây dựng, mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp như hướng dẫn, kiểm tra, xử lý; tuy nhiên, vẫn chưa đạt yêu cầu trong ngăn ngừa sự cố. Công tác kiểm tra vẫn chưa sâu sát hết các công trình thi công, nhất là còn hạn chế trong kiểm tra điều kiện khởi công (có tác dụng cao trong phòng ngừa sự cố).  

 

NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ

Khi sự cố công trình xảy ra, ngoài thiệt hại tức thời về người và tài sản còn gây tâm lý hoang mang cho xã hội, việc xử lý tiếp theo mất rất nhiều thời gian và tốn kém chi phí cho các việc từ khắc phục hư hại đến bồi thường cho các bên bị ảnh hưởng, uy tín đơn vị tham gia bị tổi hại, làm đình trệ hoạt động đầu tư xây dựng công trình.

Do đó, việc phòng ngừa sự cố vẫn là vấn đề quan trọng trong xây dựng công trình, nhất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có điều kiện địa chất, thủy văn phức tạp; tình trạng xây chen trong khu dân cư hiện hữu với nhiều công trình lâu năm, đã được xây dựng không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật nên sẵn ở trong trạng thái nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng.

Từ những sự cố đã xảy ra và qua kết quả kiểm tra, nhận thấy năng lực của nhà thầu có vai trò rất quan trọng trong đảm bảo an toàn, phòng ngừa sự cố. Bên cạnh đó, vai trò của các bên khác cũng quan trọng không kém, như thiết kế (thiết kế sai, nhất là kết cấu chịu lực, sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho công trình) hoặc tư vấn giám sát, là đơn vị kiểm soát chất lượng thi công của nhà thầu.

Để phòng ngừa, hạn chế sự cố, chủ đầu tư, các tổ chức cá nhân tham gia xây dựng (quản lý dự án, tư vấn giám sát, khảo sát xây dựng, quan trắc công trình, thi công xây dựng, ...) phải tuân thủ và thực hiện nghiêm túc công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng theo quy định hiện hành, đặc biệt đối với công tác khảo sát xây dựng, đánh giá hiện trạng chất lượng công trình lân cận, xác định phạm vi và mức độ ảnh hưởng trong quá trình triển khai thi công xây dựng.

 KS. NGUYỄN THANH XUYÊN
Phó Trưởng phòng QLCLCTXD - Sở Xây dựng

Nguồn: Khác

Số lượng lượt xem: 2127
Tin mới hơn
Tin đã đưa