title Quản lý nhà và công sở

Thực trạng và giải pháp ổn định trật tự số nhà tại thành phố Hồ Chí Minh
Thứ hai, 30/07/2012, 01:00 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị loại đặc biệt có tốc độ đô thị hóa cao nhất nước và một hệ thống số nhà phức tạp, được hình thành từ nhiều thế kỷ trước cho đến nay.

Tác nhân tạo nên sự phức tạp của hệ thống số nhà tại thành phố Hồ Chí Minh không chỉ do quy mô của đô thị cấp đặc biệt này, mà còn là những dấu vết để lại của lịch sử hơn 300 năm hình thành, phát triển và sau đó là tốc độ đô thị hóa nhanh của thành phố.

THỰC TRẠNG

Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay vào thời kỳ trước ngày 30/4/1975 bao gồm 03 trung tâm hành chính - kinh tế: Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn. Do đó, hệ thống số nhà cũng có xuất phát điểm từ 03 trung tâm này.

Sau ngày 30/4/1975, 03 trung tâm hành chính này được hợp nhất thành một đơn vị hành chính thống nhất là thành phố Hồ Chí Minh, nhưng hệ thống số nhà vẫn được duy trì theo trật tự cũ, chiều đánh số nhà và gốc chuẩn vẫn được xác định từ các trung tâm hành chính cũ nêu trên.

Ngoài ra, trong một thời gian dài sau ngày đất nước thống nhất, chính quyền thành phố non trẻ phải tập trung giải quyết nhiều vấn đề trọng yếu, như: khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế để hòa chung vào nền kinh tế theo định hướng XHCN của cả nước, tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, xây dựng bộ máy chính quyền mới, thực hiện chính sách cải tạo về nhà, đất, thực hiện chế độ phân phối nhà ở… Vì vậy, Nhà nước chưa tập trung vào công tác quy hoạch và quản lý đô thị, sự gia tăng dân số rất nhanh đặc biệt là tăng dân số cơ học do người dân từ các tỉnh nhập cư vào thành phố làm ăn, sinh sống lên đến hàng triệu người, tình trạng xây dựng nhà không phép hình thành nhiều khu dân cư tự phát, số nhà lộn xộn do nhiều ngành, nhiều cấp tự đặt, không theo một quy luật chung dẫn đến hiện tượng nhà trùng số, nhảy số, nhà mặt tiền đường nhưng mang số trong hẻm, nhà trong hẻm nhưng mang số mặt tiền đường, nhà trong dãy số chẵn nhưng lại mang số lẻ hoặc ngược lại... Nguyên nhân cơ bản là công tác quản lý Nhà nước còn bất cập, thiếu một văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở để công tác cấp và điều chỉnh số nhà được thực hiện thống nhất, đồng bộ trong toàn thành phố.

QUYẾT ĐỊNH SỐ 1958 - QUY CHẾ CẤP VÀ ĐIỀU CHỈNH SỐ NHÀ ĐẦU TIÊN TRONG CẢ NƯỚC.

Trước tình hình đó, nhằm chấn chỉnh lại tình trạng số nhà của thành phố, vừa phục vụ mục tiêu quản lý của Nhà nước, vừa đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân trong các giao dịch hàng ngày, Sở Nhà đất đã chủ động đăng ký nghiên cứu và thực hiện đề tài khoa học mang tên “Thực trạng và giải pháp cấp, chỉnh sửa số nhà trên địa bàn thành phố”, được Hội đồng khoa học thành phố nghiệm thu và Ủy ban nhân dân thành phố công nhận.

Trên cơ sở nghiệm thu đề tài này, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 1958/1998/QĐ-UB-QLĐT ngày 13/4/1998 về ban hành Quy chế cấp và chỉnh sửa số nhà trên địa bàn thành phố. Đây là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên của thành phố và cũng là đầu tiên trong cả nước, làm cơ sở để thực hiện cấp mới và điều chỉnh số nhà trên các tuyến đường của thành phố theo một trật tự thống nhất.

Những nội dung cơ bản của Quyết định này gồm:

- Tất cả nhà ở, công trình xây dựng đều được cấp số nhà, kể cả những nhà chưa có giấy tờ hợp lệ về quyền sở hữu.

- Quyết định cấp số nhà không có giá trị chứng nhận quyền sở hữu.

- Trình tự, thủ tục cấp số nhà đơn giản, không cần phải thuê đơn vị tư vấn có chức năng lập bản vẽ, không cần xác nhận yếu tố quy hoạch trong đơn xin cấp số nhà.

- Thẩm quyền cấp số nhà thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện.

Việc triển khai Quyết định số 1958/1998/QĐ-UB-QLĐT được Sở Địa chính - nhà đất thực hiện hợp lý, khoa học, gồm các bước như sau:

Bước 1: Ban hành Hướng dẫn số 5229/HD-ĐBN ngày 15/5/1998 và Kế hoạch khảo sát, chốt số nhà, lập bản vẽ hiện trạng số nhà và chỉnh sửa số nhà cho 96 tuyến đường của thành phố.

Bước 2: Tổ chức thực hiện thí điểm tại 03 phường, gồm: phường Bến Thành quận 1, phường 9 quận 11 và phường Đông Hưng Thuận quận 12.

Bước 3: Tổ chức triển khai đại trà tại các phường, xã, thị trấn còn lại trên địa bàn thành phố.

Bước 4: Cử cán bộ, chuyên viên phụ trách địa bàn để theo dõi tiến độ thực hiện và kịp thời hướng dẫn cho cán bộ quận, huyện, phường, xã, thị trấn trong quá trình triển khai.

Bước 5: Tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm để khắc phục, hoàn thiện công tác này trong thời gian tới.

Qua 08 năm thực hiện Quyết định số 1958/1998/QĐ-UB-QLĐT của Ủy ban nhân dân thành phố (từ năm 1998 đến năm 2006), công tác cấp và chỉnh sửa số nhà trên địa bàn thành phố đã đạt được một số kết quả khả quan như sau:

Theo số liệu tổng kết năm 2006, toàn thành phố có 1.279.879 căn nhà, trong đó có 915.490 căn cần phải cấp mới hoặc chỉnh sửa số nhà (tỉ lệ 71,5%); các quận, huyện đã cấp mới và chỉnh sửa được 697.375/915.490 căn, đạt tỉ lệ 76%.

Tỉ lệ hoàn thành công tác cấp và chỉnh sửa số nhà chưa cao do mức độ hoàn thành của các quận, huyện không đồng đều, cụ thể là chỉ có 03 quận đạt tỉ lệ 100%, (quận 5, 10 và 11); có 07 quận, huyện đạt tỉ lệ từ 90 – 99% (quận 3, 4, 12, Tân Bình, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, Nhà Bè).

Nhìn chung, qua thời gian triển khai thực hiện Quyết định số 1958/1998/QĐ-UB-QLĐT ngày 13/4/1998 của Ủy ban nhân dân thành phố, tình hình số nhà của thành phố đã được cải thiện rõ nét và đạt được một số thành quả thiết thực sau đây:

Một là, số nhà tại địa bàn các quận trung tâm thành phố đã được sắp xếp thành một hệ thống khoa học, tương đối ổn định; tạo điều kiện thuận lợi tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch hành chính có liên quan về số nhà, chấm dứt tình trạng phải điều chỉnh giấy tờ do thay đổi về số nhà.

Hai là, nhà tại các quận ven trung tâm, các khu dân cư nông thôn thuộc huyện ngoại thành đã được cấp số nhà mới theo Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 1958/1998/QĐ-UB-QLĐT của Ủy ban nhân dân thành phố, tạo nên diện mạo mới cho vùng nông thôn đô thị.

Ba là, công tác số nhà không chỉ phục vụ cho ngành quản lý đô thị, mà còn là thông tin rất cần thiết cho nhiều ngành khác có liên quan đến cung cấp dịch vụ cho người dân như: thông tin liên lạc, cung cấp điện – nước, quản lý an ninh trật tự…., là dữ liệu đầu vào để xây dựng hệ thống thông tin quản lý phục vụ nhiều ngành, nhiều cấp, kể cả tổ chức, cá nhân có nhu cầu tra cứu.

TIẾP TỤC THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP ỔN ĐỊNH TRẬT TỰ SỐ NHÀ THEO QUY ĐỊNH MỚI

Quá trình đô thị hóa, chỉnh trang đô thị đã và đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh tại các quận, huyện ven và khu vực ngoại thành, thành phố xuất hiện nhiều tuyến đường mới nhưng chưa được đặt tên, hiện trạng số nhà ở một số tuyến đường, một số khu dân cư vẫn chưa thật ổn định, khoa học. Mặt khác, từ khi Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 05/2006/QĐ-BXD ngày 08/3/2006 về ban hành Quy chế đánh số và gắn biển số nhà và những căn cứ pháp lý để ban hành Quyết định số 1958/1998/QĐ-UB-QLĐT ngày 13/4/1998 của Ủy ban nhân dân thành phố đã thay đổi, thành phố cần ban hành một quyết định mới thay thế Quyết định số 1958/1998/QĐ-UB-QLĐT.

Theo đề xuất của Sở Xây dựng, ngày 31/5/2012 Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 22/2012/QĐ-UB về đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Quy chế đánh số nhà mới lần này xây dựng dựa trên cơ sở kế thừa Quyết định 1958 ngày 13/4/1998 của Ủy ban nhân dân thành phố và có nghiên cứu vận dụng Quyết định 05 của Bộ Xây dựng ngày 21/3/2006 theo nguyên tắc chung là đảm bảo tính kế thừa, tính khoa học và tính ổn định, không gây xáo trộn lớn về trật tự số nhà tại các tuyến đường, các khu dân cư đã ổn định và phù hợp quy định, không ảnh hưởng lớn đến các hoạt động bình thường của người dân. Việc xác định gốc chuẩn và chiều đánh số nhà được kế thừa từ Quyết định 1958 nên vẫn phù hợp cho các khu dân cư hiện hữu và khu dân cư mới. Lần này, trong quy chế có bổ sung gốc chuẩn cho phù hợp với thực tiễn số nhà tại một vài quận và bổ sung quy tắc chung về chiều đánh số nhà để vận dụng cho các tuyến đường không có gốc chuẩn.

Phạm vi điều chỉnh của quy chế lần này là khu dân cư mới xây dựng chưa đánh số nhà; khu dân cư hiện hữu nhưng số nhà không đúng quy định, trật tự phải sắp xếp lại cho khoa học; nhà trên các tuyến đường mới được đặt, đổi tên đường; theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân.

Tính từ năm 1998 đến đầu năm 2012, toàn thành phố đã cấp mới, điều chỉnh trên 1,2 triệu số nhà nên số căn nhà, căn hộ cần được cấp số và điều chỉnh còn lại khoảng 100.000. Dù số lượng này không lớn nhưng tình trạng số nhà không ổn định, không đúng quy định vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi, nhiều tuyến đường, nhất là khu vực quận ven, quận mới nên việc cấp, điều chỉnh là hết sức cần thiết.

Sở Xây dựng thành phố sẽ triển khai kế hoạch thực hiện đến các phòng quản lý đô thị quận - huyện, cũng như tập huấn cách làm để phấn đấu trong vòng 2 năm sẽ kết thúc toàn bộ việc cấp và điều chỉnh số nhà.

Tính ưu việt của quy chế cấp số nhà mới là gì? Việc đánh số nhà lần này liệu có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân?

Việc tiếp tục hoàn thiện quy chế để thành phố có được hệ thống số nhà khoa học, phù hợp với tình hình thực tế có ý nghĩa rất quan trọng, phục vụ thiết thực công tác quản  lý Nhà nước cũng như trong giao dịch hằng ngày của người dân.

Một số điểm nổi bật của quy chế mới là thống nhất mẫu biển số nhà (kích cỡ, màu sắc) vì hiện nay, mẫu biển tùy thuộc vào ý muốn của người dân. UBND quận - huyện sẽ cấp giấy chứng nhận số nhà thay vì ra quyết định cấp số nhà. Hơn hết, việc cấp số nhà mới sẽ làm cho đô thị văn minh hơn, đẹp hơn và giúp mọi người dễ tìm, dễ thấy.

Việc đánh số và gắn biển số nhà được thực hiện theo 02 phương thức:

Một là, cấp theo kế hoạch: do Ủy ban nhân dân quận, huyện xây dựng và triển khai thực hiện trên địa bàn.

Hai là, cấp theo yêu cầu: do tổ chức, cá nhân có yêu cầu gửi đơn đăng ký đến Ủy ban nhân dân quận hoặc Ủy ban nhân dân xã, thị trấn để được tiến hành theo quy trình cấp số mới theo quy định tại Điều 20 của Quy chế.

Khi triển khai cấp số nhà mới, địa phương không được yêu cầu người dân phải đi điều chỉnh các giấy tờ cho phù hợp mà do Ủy ban nhân dân quận, huyện phải gửi bản sao chứng nhận số nhà đến các cơ quan liên quan như công an, bưu điện, điện lực, cấp nước… để các đơn vị này cập nhật biến động về số nhà trong hồ sơ quản lý chuyên ngành. Khi điều chỉnh, trong biển số nhà mới sẽ thể hiện cả số cũ bên dưới để tiện cho việc tìm kiếm.

NĂNG CAO VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM CỦA SỞ XÂY DỰNG

Theo Quyết định số 22, Ủy ban nhân dân thành phố giao Sở Xây dựng thực hiện các công việc sau:

- Phổ biến Quy chế này đến các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan đến hoạt động đánh số và gắn biển số nhà, giao dịch dân sự liên quan đến số nhà.

- Hướng dẫn cụ thể các đối tượng không đánh số và gắn biển số nhà theo Quy chế này và các nghiệp vụ về đánh số và gắn biển số nhà cho Ủy ban nhân dân các quận, huyện thực hiện.

- Hướng dẫn Ủy ban nhân dân quận, huyện xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện đánh số và gắn biển số nhà tại địa phương.

- Kiểm tra, giám sát hoạt động đánh số và gắn biển số nhà trên toàn địa bàn thành phố.

- Triển khai và tập huấn cho cán bộ công chức quận, huyện, phường, xã, thị trấn về công tác đánh số nhà và cấp Chứng nhận số nhà, đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước về số nhà của Ủy ban nhân dân Thành phố.

- Chủ trì cùng các quận, huyện thực hiện chốt số nhà đối với các tuyến đường liên quận, huyện.

PHÁT HUY TRÁCH NHIỆM VÀ THẨM QUYỀN CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN, HUYỆN

Ủy ban nhân dân các quận, huyện cần khẩn trương tiến hành các việc sau:

- Xây dựng, triển khai kế hoạch đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn.

- Tổ chức thực hiện cấp Chứng nhận số nhà cho các hộ được gắn biển theo quy định của Quy chế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý khoa học việc đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn quận, huyện.

- Hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện việc gắn biển số nhà theo đúng Quy chế.

- Thống kê và lập danh sách những con đường chưa có tên thuộc địa bàn quản lý, trình Hội đồng đặt tên đường thành phố nghiên cứu để trình Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định.

- Rà soát, điều chỉnh, đặt tên đường thuộc hệ thống đường xã thuộc thẩm quyền đặt tên đường của Ủy ban nhân dân huyện.

- Lập dự toán thu chi và quyết toán lệ phí cấp biển số nhà theo đúng quy định về quản lý tài chính.

- Báo cáo định kỳ sáu tháng cho Ủy ban nhân dân Thành phố và Sở Xây dựng về tiến độ và kết quả thực hiện.

- Tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh Quy chế.

- Chỉ đạo Thanh tra Xây dựng quận, huyện, phường, xã, thị trấn kiểm tra việc gắn biển số nhà; yêu cầu tổ chức, cá nhân được cấp Chứng nhận số nhà thực hiện việc gắn biển số nhà đúng quy cách của Quy chế.

- Gửi bản sao Chứng nhận số nhà đến các cơ quan có liên quan theo quy định tại Điều 26 của Quy chế để thực hiện việc cập nhật số nhà vào tài liệu quản lý.

Ủy ban nhân dân quận, huyện giải quyết đánh số và cấp Chứng nhận số nhà theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong các trường hợp sau:

- Nhà ở, công trình xây dựng hoặc đất chưa xây dựng thuộc khu vực tuy đã thực hiện xong việc đánh số, nhưng chủ sở hữu nhà ở, công trình xây dựng hoặc người sử dụng đất có yêu cầu được cấp số nhà do xây dựng mới; tách - nhập nhà hoặc xây thêm nhà trong cùng khuôn viên.

- Nhà ở, công trình xây dựng đã có số nhà ổn định, nhưng chủ sở hữu (sử dụng) có yêu cầu được cấp Chứng nhận số nhà để thực hiện các giao dịch có liên quan về nhà ở, công trình xây dựng.

- Tổ chức, cá nhân có yêu cầu nộp Đơn đăng ký cấp số nhà (kèm các chứng từ có liên quan) gửi Ủy ban nhân dân quận hoặc Ủy ban nhân dân xã, thị trấn để được cấp số nhà mới.

TRÁCH NHIỆM VÀ THẨM QUYỀN CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN PHƯỜNG, XÃ, THỊ TRẤN

- Triển khai thực hiện Quy chế theo đúng thẩm quyền, trách nhiệm được giao.

- Hướng dẫn, đôn đốc tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn chấp hành quy định về gắn biển số nhà theo Quy chế; tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành việc sắp xếp lại số nhà cho khoa học tại các khu vực số nhà không ổn định, trùng lắp.

- Kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn theo thẩm quyền, báo cáo và kiến nghị xử lý với Ủy ban nhân dân quận, huyện những trường hợp vượt quá thẩm quyền.

Việc cấp, điều chỉnh, gắn biển số nhà theo quy định mới cần được xem là một công tác quan trọng của các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp tại thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã, thị trấn trong thời gian tới nhằm nhanh chóng khắc phục những hạn chế đã phân tích ở trên, đưa số nhà đi vào ổn định, trật tự, đồng bộ, khoa học góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.

Tác giả: Phó Giám đốc Đỗ Phi Hùng

Nguồn: Tạp chí Sài Gòn Đầu tư & Xây dựng

Số lượng lượt xem: 3164
Tin mới hơn
Tin đã đưa