Vai trò của đô thị cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh
Tạp chí Sài Gòn Đầu tư & Xây dựng
Đô thị cảng biển - đô thị biển
Đô thị cảng biển không chì là đầu mối, là cầu nối trong sự phát triển mỗi quốc gia và các quốc gia; không chế là pháo đài tiền tiêu trong phòng thủ. Đô thị cảng biển, đô thị biển còn là hiện tượng lịch sử văn hóa và nhân văn; là cơ chế đặc trưng, hấp thụ và tiêu hóa các nền văn minh trong sự tuần hoàn chuyển hóa cũng như cộng sinh.
Đô thị biển kích thích, thúc đẩy sự chuyển động của các cộng đồng xã hội, vốn thiên về tĩnh tại, do bị kìm hãm bởi “tư duy lục địa”. Đô thị biển là không gian kinh tế tạo lực tác động chủ đạo cho phát triển.
Thời cổ đại, Alexandria của Ai Cập, Pirey và Chersones của Hy Lạp, Contanstinopole của Bizantine đều tọa lạc trên bờ biền Địa Trung Hải.
Thời kỳ phát triển tư bản chủ nghĩa, Pháp có Marseille, Đức có Hamburg, Hà Lan có Rotterdam, Thụy điển có Stockholm, Anh có Liverpool, Mỹ có New York.
Trước đây khi xây dựng Saint Peterbourg của Nga, Pierre Đệ Nhất nói “Tương lai nằm trên biển”.
Trung Quốc có chuỗi các thành phố ven biển như: Hồng Kông, Quảng Châu, Thượng Hải, Thiên Tân, Đại Liên.
Ờ nước ta trên tuyến bờ biển kéo dài 3620 km, chỉ hiện hữu có 3 thành phố là Hải Phòng, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh là “đô thị biển lớn” và mạnh mẽ về kinh tế biển của 3 miền Bắc, Trung và Nam.
Đô thị cảng biển lớn Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh
Hạt nhân của đô thị cảng biển Sài Gòn là cảng Sài Gòn được thành lập từ năm 1860 dưới thời thuộc địa của Pháp với tên gọi là thương cảng Sài Gòn, cách biển 83km (có 5 khu vực: Hàm Nghi, Nhà Rồng, Khánh Hội và Cảng Cá), đến năm 1939 cảng Sài Gòn trở thành cảng đứng thứ 7 trong số các cảng của đế quốc Pháp, vận chuyển 3 triệu tấn trong đó 2000 tấn xuất nhập khẩu hàng hóa.
Qua nhiều thời kỳ phát triển, đến năm 2009 cảng Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh là một cảng quốc tế của khu vực miền Nam, tổng diện tích 570.000m2 (có 5 khu vực: Tân Cảng, Bến Nghé, Khánh Hội, Nhà Rồng và Tân Thuận), khối lượng xuất nhập khẩu là 35 triệu tấn (năm 2006). Cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ 25 trong số 50 cảng container lớn nhất thế giới năm 2012. Cảng biển này là thành viên của Hội cảng biển quốc tế (IAPH) và Hội cảng biển ASEAN (APA).
Trong quá trình đô thị hoá, cảng Sài Gòn từ vị trí kề cận với trung tâm nay đã nằm lọt ngay giữa trung tâm thành phố, gây nên tình trạng kẹt xe ở khu vực này do lượng xe tải đi qua quá lớn, năm 2009 Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu di dời hệ thống cảng Sài Gòn ra cảng Hiệp Phước Nhà Bè
Ngày nay cảng Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm các khu bến cảng:
- Cảng biển Hiệp Phước hiện đại trên sông Soài Rạp (cảng di dời từ các cảng Khánh Hội Nhà Rồng và Tân Thuận). Thành phố đã bắt đầu nạo vét sông Soài Rạp (trong hệ thống sông Đồng Nai) sâu đến 9m trong năm 2010 để khi cảng Hiệp Phước đi vào hoạt động sẽ có thể đón tàu 50 nghìn tấn (DeadWeight Tonnage - DWT), và sau 2010 sẽ nạo vét sâu đến 12m để có thể đón các tàu 70 nghìn tấn (DWT) qua đó có thể nâng công suất lên 250 triệu tấn / năm, một bến chuyên dùng của các cơ sở công nghiêp dịch vụ và đóng sửa chữa tàu biển ven sông cho tàu 2-3 vạn DWT.
- Cảng Cát Lái trên sông Đồng Nai (di dời tử Tân Cảng) có thể tiếp nhận tàu đến 30 nghìn tấn (DWT).
- Khu bến trên sông Sài Gòn - Nhà Bè nâng cấp cho tàu đến 3DWT vào theo sông Lòng Tàu. Xây dựng mới bến tàu khách với nhà ga đồng bộ hiện đại tiếp nhận được tàu du lịch quốc tế 5 vạn GRT (Gross Tonnage) tại Phú Thuận, hạ lưu cầu Phú Mỹ
- Đã có kế hoạch xây dựng thêm các khu bến Cần Giuộc, Gò Công sông Soài Rạp thuộc địa phận Long An và Tiền Giang làm khu vực bến vệ tinh cho các khu bến chính trong cảng Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, gồm các bến tổng hợp và chuyên dùng cho tàu 2-5 DWT ra vào qua sông Soài Rạp.
Dự kiến cảng Hiệp Phước sẽ là khu cảng hiện đại nhất Việt Nam cùng với cảng Cát Lái và Thị Vải - Cái Mép, và tại đây hình thành một khu đô thị cảng Hiệp Phước.
Khu đô thị cảng Hiệp Phước có vị trí phía Nam huyện Nhà Bè, cách trung tâm thành phố 18km, cách sân bay Tân Sơn Nhất 25km, cách biển 20km, có diện tích 3600ha, là khu đô thị cảng biển quốc tế quy mô lớn, là đầu mối trung chuyển phục vụ cho Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL. Một khu đô thị với khu công nghiệp tập trung quy mô lớn, đa nghành, đa dạng về sản phẩm, đặc biệt là các loại công nghiệp gắn với cảng vận tải đường thủy, khu đô thị cảng Hiệp Phước là khu đô thị dịch vụ logistics, đặc biệt phục vụ cho các hoạt động cảng, sản xuất công nghiệp vận tải biển, xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua biển và cũng là khu đô thị hiện đại với các khu vực đầy đủ tiện nghi và cơ sở hạ tầng đồng bộ hoàn chỉnh, môi trường sống chất lượng cao.
Khu đô thị này chia thành 4 phân khu chức năng là: khu đô thị, khu công nghiệp cảng, khu du lịch giài trí, khu bảo tồn và phát huy môi trường sinh thái.
Khu công nghiệp - dịch vụ cảng – logistics Hiệp Phước sẽ phát triển đa dạng các ngành dịch vụ cảng, phục vụ có hiệu quả các hoạt động của tàu, thủy thủ và hành khách là đầu tàu cho “khu kinh tế đặc biệt” của Thành phố Hồ Chí Minh, là không gian kinh tế tạo “lực tác động chủ đạo” cho phát triển cả vùng Thành phố Hồ Chí Minh và là một “đô thị cảng biển thành phần” của đô thị cảng biển lớn Thành phố Hồ Chí Minh.
Bà Rịa – Vũng Tàu đô thị cảng biển hiện đại trong tương lai không xa
Cơ sở ban đầu cho đô thị cảng là cụm cảng Bà Rịa -Vũng Tàu, là cảng nước sâu nằm trên đường vận chuyển xuyên Thái Bình Dương, đó là tuyến vận tải quan trọng nhất có hàng hóa lưu lượng vận chuyển lớn nhất trong hàng hải quốc tế, đó cũng là trọng tâm để đẩy mạnh dịch vụ cảng biển, vận tải biển, dịch vụ sau cảng, bao gồm các khu bến:
- Khu bến Cái Mép, Sao Mai- Bến Đình là cảng container sử dụng cho xuất nhập khẩu, trên chuyến biển xa cho tàu 6.000TEU (Cái Mép) và 8.000 TEU (Sao Mai- Bến Đình).
TEU (Twenty- Foot Equivalent) là đơn vị tương đương với 20foot, đơn vị đo lường hàng hóa được container hóa tương đương với một container tiêu chuẩn: 20ft (dài) x 8ft (rộng) x 8,5 ft (cao) khoảng 39m3 thể tích.
- Khu bến Phú Mỹ - Thị Vải, cảng Container tàu 4.000 TEU, 5-7 vạn DWT.
- Khu bến Long Sơn, phục vụ trực tiếp cho bến phao nhập dầu thô 30 vạn DWT, cẩu bến cho 3-8 vạn DWT (Bà Rịa –Vũng Tàu có trữ lượng dàu mỏ 1,5 tỷ tấn và trữ lượng khí đốt 10000tỷ tấn)
- Khu bến phía Nam Long Sơn chuyên dùng phục vụ cho sửa chữa
- Khu bến sông Dinh phục vụ cho sửa chữa dàn khoan.
Cơ sở tạo thị của Bà Rịa - Vũng Tàu là 14 khu công nghiệp, diện tích khoảng 8.400ha với các khu công nghiệp lọc hóa dầu, chế biến sản phẩm hóa dầu và các ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các hoạt động của cảng như: nhà máy sản xuất ure 800.00 tấn/ năm, nhà máy sản xuất polyetlen 100,000 tấn/ năm v.v..và 8 nhà máy điện Bà Rịa - Vũng Tàu công xuất 40.000MW chiếm 40% cả nước.
Ngoài ra còn các trung tâm dịch vụ logistics, phát triển dịch vụ hậu cần cảng, trung tâm hàng hóa gắn liền với biển.
Cơ sở hạ tầng cần đi trước một bước để kết nối các bến cảng trong đô thị, nối liền các cảng nước sâu, kết nối với giao thông đường bộ sẵn có với đường biển tạo sự liên kết với các khu công nghiệp, cảng biển, du lịch. Bên cạnh sân bay Tân Sơn Nhất hiện có và sân bay Long Thành trong tương lai (cách cảng Cái Mép –Thị Vải là 30km) đường hàng không và đường cao tốc,đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu.
Với thế cảng nước sâu Bà Rịa -Vũng Tàu sẽ có thể trở thành đô thị cảng biển hiện đại vào năm 2020 nếu tập trung đầu tư không dàn trải.
Kết nối cụm đô thị cảng biển lớn Thành phố Hồ Chí Minh với đô thị cảng biển hiện đại Bà Rịa – Vũng Tàu để trở thành cửa ngõ kinh tế kết nối Việt Nam với thế giới
Kết nối cụm đô thị cảng biển lớn Thành phố Hồ Chí Minh với đô thị cảng biển hiện đại Bà Rịa – Vũng Tàu chủ yếu là xây dựng mạng lưới đường bộ và xây dựng hệ thống đường sắt kết nối giữa cảng Hiệp Phước và cảng Cái Mép - Thị Vải để tạo sự đồng bộ cho hệ thống cảng biển ở khu vực miền Nam thì hiệu quả sẽ chắc chắn hơn nhiều và là đầu mối tiếp vận không chỉ cho khu kinh tế trọng điểm phía Nam và cho cả đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Năng lực xử lý container của Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu đang được mở rộng nhanh chóng đây là một yếu tố quan trọng để tiếp tục thúc đẩy khả năng kết nối và cạnh tranh của vùng Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai. Chương trình mở rộng được bắt đầu một cách nghiêm túc vào năm 2009 và sẽ tiếp tục được thực hiện đến năm 2015 – 2016 khi đó công xuất lắp đặt sẽ lớn hơn so với tổng sản lượng hàng hóa qua cảng hiện tại của Singapore. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đã được kết nối với Tây Âu và Bắc Mỹ thông qua các dịch vụ vận tải biển trực tiếp, thay vì phải chuyển tải qua Singapore, Hồng Kông hay một số điểm trung chuyển trong khu vực. Sự thay đổi này góp phần giảm bớt 5-7 ngày trong lịch trình thông thương để chuyên chở container xuyên lục địa và nhờ đó tiết kiệm được tới 250USD cho một TEU, gồm các chi phí vận chuyển xử lý và các loại phí khác (mà đối với một chuyến hàng thông thường từ Thành phố Hồ Chí Minh đến LA/ Long Beach, khoản tiết kiệm nêu trên có thể tương đương 10% mức cước từ cảng - đến - cảng hoặc hơn). Cần lưu ý rộng Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu đang triển khai nhiều bước nhằm phát huy tính bền vững, vai trò đầu tàu trong một đất nước nơi mà các hoạt động kinh tế đang tập trung cao độ, cũng như tương lai tăng trưởng bền vững của thành phố và toàn vủng.
Những đầu tư nói trên chủ yếu bắt nguồn tử khu vực tư nhân chiếm đa số, đây cũng là dấu hiệu cho thấy giới đầu tư hiện tại tin tưởng một cách mạnh mẽ rằng Thành phố Hồ Chí Minh và tòan vùng sẽ tiếp tục sản xuất và cung cấp hàng hóa ra thế giới trong nhiều năm tới. Vùng Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng vẫn chiếm lĩnh phần lớn các hoạt động kinh tế (71% tổng lượng hàng hóa qua biển, 62% sản lượng công nghiệp nếu tính gộp chung hai vùng ĐBSCL và Đông Nam Bộ), đồng thời cũng là vùng duy nhất trong cả nước có sự kết nối toàn cầu rộng như vậy, Hải Phòng cửa ngõ quan trọng của Hà Nội đã chậm hơn Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu trong việc nâng cao năng lực xử lý và cơ sở hạ tầng đường thủy cơ bản. Những đầu tư tư nhân lớn về công nghệ được triển khai trước đây ở vùng Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy có thể cạnh tranh trên toàn cầu về các loại hàng hóa giá trị cao. Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa –Vũng Tàu cũng là một cửa ngõ để xuất khẩu phần lớn sản phẩm thủy hải sản của Việt Nam, mà với tính chất mau hỏng các sản phẩm này rất cần đến các dịch vụ hậu cần chuyên nghiệp, không khác mấy so với các sản phẩm dệt may hoặc điện tử cao cấp trên thị trường tuy giá trị thấp hơn nhiều.
Có thể nói, đô thị cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ đóng “vai trò cửa ngõ chính” kết nối Việt Nam với thế giới và có thể cạnh tranh được với các đô thị cảng hiện đại trên thế giới.
Tuy nhiên để thích ứng với BĐKH, trong tầm nhìn dài hạn cần dự phòng nguy cơ khi hậu cực đoan trong đó có thiên tai và mực nước biển dâng, cần tránh xu hướng phát triển bám sát chiều dài mặt tiền biển.
Nguyễn Đăng Sơn
Phó viện trưởngViện Nghiên cứu đô thị & phát triển hạ tầng
Tài liệu tham khảo
1. Đô thị Việt Nam, tập 1&2 _ Đàm Trung Phường, Nxb Xây dựng năm 1995
2. Phương pháp tếp cận mới về quy hoạch và quản lý đô thị_ Nguyễn Đăng Sơn, Nxb Xây dựng , tập 1 năm 2005 & tập 2 năm 2006
3. Đô thị biển Việt Nam, tiếp cận vấn đề và suy ngẫm đường hướng phát triển_ Hoàng Đạo Kính, TC KTVN tháng 3/2006
4. Đánh giá đô thị hóa ở Việt Nam- Báo cáo Hỗ trợ kỹ thuật_ Ngân hàng thế giới (WB), tháng 11/2011
5. Tầm nhìn 100 năm trong quy hoạch đô thị biển _ Ngô Viết Nam Sơn, Internet 12/4/2012
6. Hội thảo “Bà Rịa - Vũng Tàu, đô thị cảng biển hiện đại vào năm 2020”, ngày 12/11/2014 tại Vũng Tàu.
Nguồn: Khác
- Kết quả thực hiện Chương trình đột phá “Chỉnh trang và phát triển đô thị” (01/10/2017)
- Học viện AMC khai giảng lớp bồi dưỡng quản lý xây dựng và phát triển đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh (20/08/2017)
- Danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã được Ủy ban nhân dân Thành phố chấp thuận đầu tư năm 2016 (09/11/2016)
- Thông báo về giải thưởng kiến trúc quốc gia năm 2016 (29/08/2016)
- Tổ chức Hội thảo nhánh chuyên đề “Quản lý xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh” (30/06/2016)
- Đề nghị góp ý xây dựng Chương trình và Kế hoạch thực hiện Chương trình Hành động của Thành ủy về Chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2016-2020 (20/12)
- Chương trình đột phá “Chỉnh trang và phát triển đô thị” (19/11)
- Thông báo mời gọi đầu tư dự án phát triển nhà ở Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Bắc Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè (theo Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ) (24/09)
- Công tác thẩm định các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới, dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở (02/08)
- Thông báo Mời gọi đầu tư dự án phát triển nhà ở Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội Khu Trung Tâm dân cư Tân Tạo – Khu A, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân (19/05)