Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

title Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Chi bộ Phòng Cấp phép xây dựng kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Thứ tư, 06/06/2018, 17:00 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

Đồng chí Trần Trọng Tuấn, Thành ủy viên, Giám đốc Sở tặng hoa cho Chi bộ Phòng Cấp phép Xây dựng
sau tiết mục kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

 

 

Sáng ngày 04/6/2018, sau lễ chào cờ, Chi bộ Phòng Cấp phép xây dựng kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, câu chuyện "Ngày 05/6/1911 - chuyến ra đi lịch sử", sau đây là nội dung câu chuyện:

Đã 107 năm kể từ ngày 05/6/1911, ngày chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành bước lên con tàu thủy với hai bàn tay trắng, trái tim nóng bỏng nỗi đau mất nước và quyết tâm sắt đá: khôi phục lại nước Việt, bảo vệ nền độc lập và cuộc sống tự do cho mọi người.

Ước vọng quá lớn với một chàng trai 21 tuổi. Nhưng đã thành hiện thực. Chàng trai đã đi vào lịch sử, viết nên lịch sử. 107 năm sau, nước Việt Nam không chỉ có độc lập, tự do, dân Việt không chỉ có cơm ăn, áo mặc, được học hành như ước vọng của Người. Những năm đầu thế kỷ 21 này, nước Việt Nam đã có một vị thế mới.

Bác ơi, ngày này chúng cháu muốn nhắc lại câu chuyện về anh Ba thuở ấy. Để biết rằng con đường sáng lạn mà cả dân tộc đang đi đã bắt đầu từ bước chân cô đơn của Người như thế nào....

 

Cuối năm 1910, Bác Hồ (khi đó là thầy giáo Nguyễn Tất Thành) rời Trường Dục Thanh ở Phan Thiết vào Sài Gòn tiếp tục cuộc hành trình tìm đường cứu nước. Ngày đó phương tiện đi lại còn rất thô sơ. Xe lửa mới chỉ chạy loanh quanh Sài Gòn từ Chợ Cũ đi Tân Định và Chợ Cũ đi Chợ Lớn; Trên các phố chủ yếu là xe ngựa gọi là “xe kiếng”, xe thổ mộ, xe song mã và xe kéo tay. Vì vậy, 200 cây số từ Phan Thiết vào Sài Gòn, Bác vẫn phải đi bằng thuyền và Hải cảng Sài Gòn lúc ấy cho hạm thuyền 3 buồm hạng lớn và tàu thủy chạy bằng hơi nước mới xây dựng.

Đến Sài Gòn, đầu tiên Bác tìm đến nhà người anh em bạn dì của cụ Nghè Mô là ông Lê Văn Đạt tại xóm cầu Rạch Bần, nay là số nhà 185/1 đường Cô Bắc, khi ấy là vựa chiếu. Một thời gian sau, cụ Nghè Mô và ông Hồ Tá Bang đưa Bác đến ở nhà số 1-2-3 đường Tecxa, Chợ Lớn (nay là số 5 đường Châu Văn Liêm) Bác ở đây cho đến ngày rời Sài Gòn xuống tàu ra đi tìm đường cứu nước.

Trước khi có chuyến hành trình lịch sử ấy, Bác xin vào học ở trường đào tạo công nhân hàng hải và công nhân chuyên nghiệp cho xưởng Ba Son. Trong khoảng 100 ngày học ở đây, Bác đã dành nhiều thời gian quan sát Sài Gòn... Cái gì đối với Bác cũng mới lạ, từ nhà cửa đến đèn điện, máy nước, xe cộ, chiếu bóng... nhưng điều lạ hơn cả là trong bối cảnh như vậy sao dân mình vẫn khổ sở và bị khinh rẻ. Phải làm gì để cứu dân, cứu nước? Trong một lần đến thăm cha, Bác được cụ Phó bảng dạy: “Tìm thăm cha là tốt, nhưng cái cần hơn vẫn là tìm đường cứu dân tộc”.

Bến cảng Nhà Rồng năm 1911
Bến cảng Nhà Rồng ngày nay

Trước ngày 2 tháng 6 năm 1911, Nguyễn Tất Thành bàn với một người bạn thân về chuyến đi ra nước ngoài.

“Anh Lê, anh có yêu nước không?”

Anh Lê ngạc nhiên và đáp: “Tất nhiên là có chứ!”

“Anh có thể giữ bí mật không?”

“Có”.

“Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng nếu đi một mình, thật ra cũng có điều mạo hiểm, ví như khi đau ốm… Anh muốn đi với tôi không?”

“Nhưng bạn ơi, chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi?”

“Đây, tiền đây” – Anh bạn của tôi vừa nói vừa giơ hai bàn tay – “Chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi. Thế thì anh cùng đi với tôi chứ?”

Bị lôi cuốn vì lòng hăng hái của anh Thành, anh Lê đồng ý.

Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ về cuộc phiêu lưu, anh Lê đã không có đủ can đảm để giữ lời hứa.

Tàu Amiral Latouche Tréville, con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ Cảng Sài Gòn

Ngày 02/6/1911, Nguyễn Tất Thành xin làm việc ở tàu Amiral Latouche Tréville, một tàu lớn vừa chở hàng vừa chở khách của hãng Năm Sao đang chuẩn bị rời Cảng Sài Gòn đi Mác Xây, Pháp. Ông Mai ở Hải Phòng – một nhân viên cũ trên chuyến tàu ấy kể lại rằng:

Một buổi trưa, một người trai trẻ lên tàu. Sau một phút ngập ngừng, anh ta hỏi xin việc.

Chúng tôi trả lời là không có việc và có chăng nữa, chúng tôi cũng không có quyền nhận anh ta.

Chúng tôi cười vì chàng trai có vẻ một anh học trò, không phải là người lao động như chúng tôi. Chúng tôi nói nhỏ với nhau: “Một người như thế có thể làm được công việc gì trên tàu?”.

Tôi không hiểu tại sao tôi thấy thương hại anh ta và tôi nói: “Đi theo tôi, tôi sẽ dẫn anh đến gặp chủ tàu. Có lẽ ông ta sẽ  có việc cho anh làm”.

Chủ tàu hỏi: “Anh có thể làm việc gì?”

“Tôi có thể làm bất cứ việc gì!” – Chàng trai trả lời.

“Được, ta sẽ lấy anh làm phụ bếp. Sáng mai anh đến đây nhận việc”.

Chàng trai ấy xưng tên là Ba. Vì tôi đã giúp anh ta việc nhỏ ấy, cho nên anh ta rất thân với tôi, và cũng vì anh ta rất dễ mến tôi cũng rất thân với anh ấy. Việc gì tôi làm được là tôi cố làm để giúp anh ta, vì anh ta chưa biết gì cả. Vả lại, anh ấy có can đảm và nhẫn nại.

Phụ bếp trên tàu, mỗi ngày anh ta phải làm từ bốn giờ sáng, quét dọn sạch sẽ nhà bếp lớn trên tàu, tối đốt lửa trong các lò. Sau đó đi khuân than, rồi xuống hầm lấy rau, thịt cá, nước đá v.v. Công việc khá nặng nhọc vì dưới bếp rất nóng và  trong hầm rất rét. Nhất là khi vừa phải vác một bao nặng vừa leo lên những bậc thang trong khi tàu tròng trành.

Xong công việc ấy, phải dọn cho bọn chủ bếp Pháp ăn. Sau đấy, nhặt rau, rửa chảo nồi và đun lò lại. Công việc kéo dài suốt ngày.

Nhà bếp lo cho bảy, tám trăm người cả nhân viên và hành khách. Có nhiều cái chảo bằng đồng lớn và nặng quá, đến nỗi anh Ba phải kéo lê trên sàn.

Và những cái nồi cao quá, anh phải leo lên ghế để chùi nồi. Luôn luôn nghe tiếng:

“Ba, đem nước đây!”

“Ba, dọn chảo đi!”

“Ba, thêm than chỗ này, thêm than chỗ kia!”

Suốt ngày, anh Ba đẫm nước, hơi và mồ hôi, mình đầy bụi than. Người ta thấy anh Ba phải dùng hết tinh thần và sức lực để làm cho xong công việc.

Trưa 05/6/1911, con tàu Amiral Latouche Tréville đã rời bến sông Sài Gòn với 72 thủy thủ trên tàu và người phụ bếp Văn Ba.

Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi 

Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác 

Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất 

Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre 

Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ 

Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương 

Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở 

Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương 

 

Bác rời Sài Gòn và đã đi qua gần đủ năm châu, bốn biển trên thế giới, tìm ra con đường giải phóng dân tộc, để mùa xuân của 30 năm sau (tháng 2 năm 1941), Bác trở về Pác Bó, lãnh đạo cách mạng Việt Nam và sau đó khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Và rồi ngày 30/4/1975, con cháu Bác với đường lối, tư tưởng và chiến dịch mang tên người, đã giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Kìa mặt trời Nga bừng chói ở phương Đông 

Cây cay đắng đã ra mùa quả ngọt 

Người cay đắng đã chia phần hạnh phúc 

Sao vàng bay theo liềm búa công nông 

Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc 

"Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!" 

Hình của Đảng lồng trong hình của Nước 

Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười 

Sài Gòn có vinh dự tiễn Bác ra đi và trải qua mấy chục năm qua gan vàng dạ sắt, chiến đấu anh hùng. Ngày nay, xứng đáng là thành phố mang tên người - Thành phố Hồ Chí Minh luôn nỗ lực xây dựng phấn đấu là thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và cùng cả nước đi lên với ý chí quyết tâm thực hiện mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

Câu chuyện ngắn gọn, nhưng là một hình ảnh mang tính biểu trưng rất đậm nét về tinh thần lao động của người thanh niên tên Nguyễn Tất Thành (Bác Hồ kính yêu của chúng ta); ẩn đằng sau hành động ấy, là cả một tấm lòng yêu nước thiết tha, một ý chí kiên định, dũng cảm và sáng suốt, quyết chí đi tìm con đường giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp, mà bao đời nay các bậc cách mạng tiền bối vẫn chưa làm được.

Đây là bài học nêu gương thiết thực về ý chí tự lực tự cường, tấm lòng yêu nước sâu sắc của Bác Hồ mà chúng ta cần phải học tập. Bài học về nghị lực, quyết tâm trong mọi việc, mọi hoàn cảnh; bài học bền chí, nhẫn nại, dám nghĩ, dám làm, dám đi tiên phong; trong thực thi công vụ, dù vị trí công tác nào cũng phải thể hiện tinh thần trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chi bộ đã lãnh đạo đảng viên và công chức Phòng Cấp phép xây dựng đề cao tinh thần trách nhiệm, tham gia xây dựng và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của cơ quan, hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm về nghiên cứu, dự thảo văn bản trình Ủy ban nhân dân Thành phố Quyết định thay thế Quyết định số 27/2014/QĐ-UBND ngày 04/8/2014 Quy định chi tiết một số nội dung về cấp Giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Xây dựng Quy chế “Một cửa liên thông”; Xây dựng Quy trình dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 về cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn thành phố.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả cải cách hành chính trong công tác cấp Giấy phép xây dựng và quy trình liên thông tiến đến thực hiện liên thông các Sở - Ngành

Số lượng lượt xem: 1176
Tin đã đưa