Về đất Quảng anh hùng
Đoàn sở
Đoàn Sở
Nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vì hòa bình của dân tộc và thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Sở Xây dựng đã tổ chức cho 55 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Sở là những Đảng viên, những quần chúng ưu tú tham gia Chương trình Về nguồn năm 2018 với chủ đề: "Về đất Quảng anh hùng" từ ngày 24/5 đến ngày 27/5/2018.
Từ những hình ảnh thực tế của chuyến đi, được đặt chân đến những vùng đất anh hùng, được nghe những bài học lịch sử, được đến tận nơi, mắt thấy tai nghe những chiến công hiển hách của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến trường kỳ đã giúp nâng cao ý thức chính trị, tinh thần trách nhiệm và lòng tự hào dân tộc; đồng thời tạo môi trường sinh hoạt tập thể, tạo mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Sở Xây dựng.
Điểm đến đầu tiên của đoàn chúng tôi là Bảo tàng Đà Nẵng, nằm trong khuôn viên thành Điện Hải, di tích lịch sử nơi Nguyễn Tri Phương chặn những bước chân xâm lược đầu tiên của thực dân Pháp vào Việt Nam năm 1858. Không gian trưng bày của Bảo tàng với diện tích hơn 3.000m2 gồm 3 tầng giới thiệu hơn 2.500 tư liệu, hình ảnh, hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa của thành phố Đà Nẵng và vùng phụ cận; trong đó, có hơn 1.900 hiện vật gốc được sưu tầm từ sau ngày giải phóng đến nay, đặc biệt có nhiều tư liệu hiện vật quý.
Đoàn chúng tôi đã đến Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Điện Bàn dâng hương, dâng hoa và trong giờ phút trang trọng ấy, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của các anh hùng liệt sỹ đời đời bất diệt, mãi mãi vinh quang. Những nén nhang và những bông hoa của chúng tôi tại đây là tượng trưng cho lòng biết ơn vô hạn của thế hệ hôm nay đối với những anh hùng bất tử, đã hiến dâng tuổi thanh xuân, xương máu của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc Việt Nam, viết lên những trang sử vẻ vang cho dân tộc, soi đường cho thế hệ chúng tôi tiếp bước tiến lên. Thịt xương các anh kết thành hồn thiêng sông núi, cho Bắc Nam sum họp một nhà. Lịch sử mấy ngàn năm giữ nước trải bao lần khói lửa đao binh. Giờ đây, đất nước thanh bình, độc lập. Ân huệ ấy do công lao của biết bao thế hệ đã quên thân mình, anh dũng hy sinh. Hồn tử sĩ dệt thành hồn thiêng sông núi. Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh để thế hệ chúng tôi ngày hôm nay được sống trong màu xanh của hòa bình.
Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Điện Bàn là nghĩa trang cấp quốc gia rộng 3ha, hiện có 5.620 mộ liệt sĩ; trong đó, 1.600 mộ không có tên, 125 Bà mẹ VNAH và 37 lão thành cách mạng. Trong nghĩa trang, có Nhà lưu niệm anh hùng Nguyễn Văn Trỗi - Người cộng sản kiên trung, sinh ngày 1-2-1940 tại làng Thanh Quýt, nay là xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình có truyền thống cách mạng, không chỉ hành động bất chấp hy sinh tính mạng trong vụ cài mìn ở cầu Công Lý năm 1964, Nguyễn Văn Trỗi còn thể hiện ý chí và niềm tin sắt đá đến giây phút bị xử tử. Anh không chấp nhận rửa tội mà còn khẳng định chính bọn Mỹ, ngụy mới là kẻ có tội, là thủ phạm gây ra cảnh xóm làng tan nát, cảnh lầm than chết chóc, cảnh con mất cha, vợ mất chồng. Thời gian ở trong tù, đã chịu bao nhiêu cực hình tra tấn của địch, nhưng anh vẫn luôn luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, bảo vệ cơ sở cách mạng. Nhiều lần anh đã nói thẳng vào mặt kẻ thù: “Còn giặc Mỹ, không ai có hạnh phúc cả”. Câu nói ấy không chỉ gây xúc động trong tuổi trẻ và nhân dân ta mà cả tuổi trẻ và nhân dân tiến bộ trên thế giới.
Ca ngợi tinh thần hy sinh dũng cảm của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:“Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương hy sinh cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là cho các cháu thanh niên học tập”.
Một trong những điểm đến đặc biệt quan trọng với chúng tôi là Khu Tượng Đài Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng tại xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây chúng tôi đã thực hiện nghi thức dâng hương, dâng hoa và tổ chức Lễ kết nạp Đảng cho 06 đồng chí là Công đoàn viên ưu tú và Đoàn viên ưu tú của Sở Xây dựng.
Trải qua hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc vĩ đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, cả dân tộc Việt Nam đã ra trận, hàng triệu người con tuổi trẻ ưu tú khắp mọi miền của Tổ quốc đã cùng chung một chiến hào đánh Pháp đuổi Mỹ cứu nước vì một chân lý "Độc lập tự do" cho dân tộc.
Đứng giữa Khu vực tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ
Xin khắc vào đại ngàn
Xin khắc vào trời xanh mây trắng
Xin khắc vào chốn linh thiêng thầm lặng
Các mẹ anh hùng hóa tượng giữa lòng dân.
Mẹ nhỏ bé trồng lũy tre cao vút
Mẹ oằn vai để các con lớn lên cùng đất nước
Mẹ thương con không thể ai sánh được.
Rồi một ngày mái tranh bị quân xâm lược thiêu đốt, ruộng vườn xác xơ, đạn bom cày xới quê hương, đau thương gieo rắc khắp nơi, nôi trẻ chỏng chơ và những lời ru đứt quãng. Rồi một ngày, lũy tre làng sạm đen màu tro bụi, dòng sông quê loang lổ máu tràn, thịt xương bao người vùi lấp rừng sâu núi thẳm, miếng cơm trộn nước mắt xót đau. Khi ấy lời ru của mẹ bùng cháy trở thành lời hiệu triệu núi sông chiến đấu diệt thù. Không chỉ là những lời hiệu triệu, mẹ sẵn sàng hy sinh chồng mình, những đứa con của mình và cả sinh mạng của mình cho cuộc chiến vì dân vì nước vì nhà.
Mẹ thương nòi, không thể gì từ khước
Mẹ thương nước, không để ai xâm lược.
Những người mẹ Việt Nam là như thế. Những lời ru về tình yêu Tổ quốc có từ ngàn đời được mẹ truyền lại đến hôm nay và mai sau. Mẹ Nguyễn Thị Thứ, có 9 con trai, một con rể và hai cháu ngoại hy sinh trong hai cuộc đấu tranh chống Pháp và Mỹ, đã được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Cuộc đời mẹ đã trở thành huyền thoại và là biểu tượng mẫu mực của những bà mẹ Việt Nam giàu lòng yêu nước, đức hy sinh. Lặng lẽ tiễn con lên đường, dứt từng khúc ruột quặn đau để đêm đêm âm thầm lệ rơi thương nhớ. Những ngày đêm bom đạn quân thù phủ trắng quê hương, trái tim mẹ lại thắp lửa mở đường cho những đoàn quân ra trận để rồi chợt khuya nghe gió thầm thì ngỡ như đâu đó lời của yêu thương đoàn tụ. Nhưng làm sao mà đoàn tụ được. Chồng con lần lượt ra đi, khuất sau ánh trăng mờ, mẹ vẫn mở vòng tay kiên trung nồng ấm ôm lấy linh hồn những người thân yêu, nhang thờ thắp chung để nỗi đau trầm tụ cho đến một ngày rực cháy niềm tin chiến thắng.
Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", trong chương trình tổ chức Về nguồn năm 2018, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh xin được kính cẩn nghiêng mình dâng lên các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng vòng hoa tươi thắm, thắp nén hương thơm xin bày tỏ lòng thành kính của tuổi trẻ hôm nay đối với các anh, các chị, các Mẹ Việt Nam anh hùng đã không tiếc máu xương hiến dâng cả tuổi thanh xuân và xương máu của đời mình cho nền độc lập, tự do cho dân tộc, đem lại hạnh phúc muôn đời cho đất mẹ Việt Nam.
Trong ánh nắng trong xanh của đất trời Quảng Nam, đoàn chúng tôi đến tham quan địa đạo Kỳ Anh - Địa đạo dài khoảng 32 km, được hình thành trong 2 năm 1965 đến 1967. Mang hình dạng bàn cờ có độ sâu từ 1m đến 1,5m, địa đạo gồm nhiều khu vực chức năng như kho chứa lương thực, hầm chỉ huy, hầm cảnh giới, hầm cứu thương, hầm tác chiến,… giữ vai trò là căn cứ cho khu vực phía đông Tam Kỳ, địa đạo là nơi giúp cho quân dân Tam Kỳ có thêm điểm tựa để kháng chiến.
Cùng ngày, đoàn chúng tôi đến dâng hương, dâng hoa tại khu chứng tích Sơn Mỹ hay còn gọi là Khu chứng tích Mỹ Lai, nằm trên quốc lộ 24B thuộc địa phận thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, Thành phố Quảng Ngãi, là nơi tưởng nhớ vụ thảm sát Sơn Mỹ, thực hiện bởi một lực lượng của Quân đội Hoa Kỳ vào buổi sáng ngày 16 tháng 3 năm 1968 trong Chiến tranh Việt Nam.
Trong khuôn khổ Chương trình Về nguồn, đoàn chúng tôi đến thăm và tặng quà cho Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn tại thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Trung tâm đã tiếp nhận và nuôi dạy hơn 100 trẻ khuyết tật từ các địa phương trong tỉnh gửi về. Các em được ăn, ở nội trú, được nuôi dạy miễn phí các ngành may, thêu, trồng trọt, vi tính và được bồi dưỡng phát triển năng khiếu. Trung tâm ra đời từ những tấm lòng hảo tâm, trở thành ngôi nhà hạnh phúc để các em khuyết tật được nuôi dưỡng, học tập văn hóa, học nghề, hướng dẫn kỹ năng sống cho các em.
Đoàn chúng tôi còn đến dâng hương, dân hoa tại Mộ Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bệnh Xá Đặng Thùy Trâm và viếng khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Chương trình về nguồn năm 2018 đã đến thăm các di tích lịch sử của Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi. Qua chuyến đi đã tạo điều kiện cho đảng viên, công đoàn viên, đoàn viên có dịp ôn lại và nâng cao lòng tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc, ý chí bất khuất của cha ông trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước; nâng cao nhận thức chính trị, tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là lực lượng đoàn viên, thanh niên Sở Xây dựng trong sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay.
Bài và ảnh: Nguyễn Minh Thái
Nguồn: Khác
- Đoàn viên Sở Xây dựng tham gia ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân cấp thành phố năm 2018 (02/04/2018)
- Hội trại “Chung sức trẻ xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình” (25/04/2016)
- Sở Xây dựng tham quan Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử" (25/08/2013)