Vật liệu xây dựng

title Vật liệu xây dựng

Giải pháp phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường
Chủ nhật, 02/08/2015, 17:00 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

Là một đô thị lớn, có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ; nhu cầu đầu tư và xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng tăng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, xây dựng đô thị hiện đại. Theo đó, nhu cầu về các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng (VLXD) ngày càng gia tăng về chủng loại và đòi hỏi cao về chất lượng. Nhằm định hướng phát triển lĩnh vực VLXD đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững, Thành phố đã phê duyệt Quy hoạch phát triển VLXD Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 (tại Quyết định số 2491/QĐ/UBND ngày 21 tháng 5 năm 2011). Trong đó, Thành phố đã định hướng phát triển VLXD công nghệ hiện đại; chất lượng cao về kỹ, mỹ thuật; vật liệu mới, thân thiện môi trường; hướng đến phát triển lĩnh vực VLXD hiện đại, là một ngành kinh tế mạnh của Thành phố

 

I. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VLXD TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Cùng với tốc độ phát triển đô thị, tốc độ phát triển xây dựng của Thành phố trong những năm qua ngày càng tăng. Trong 05 năm từ 2010 - 2014, Thành phố đã cấp 207.163 giấy phép xây dựng với tổng diện tích sàn là 45.279.611 m2; tăng 57,4% số giấy phép và 32,4% diện tích sàn so với giai đoạn 2005 – 2009. Theo số liệu tổng hợp năm 2014 từ Ủy ban nhân dân quận - huyện; hiện Thành phố có 4.822 tổ chức, cá nhân hoạt động VLXD; trong đó: 233 đơn vị chế biến, sản xuất VLXD và 4.589 đơn vị kinh doanh VLXD. Theo đó, Thành phố là nơi tiêu thụ số lượng lớn VLXD của các địa phương khác, hàng hóa nhập khẩu với nhiều chủng loại phong phú, đa dạng; là nơi có thị trường VLXD hoạt động đặc biệt sôi nổi trong cả nước.

1.Chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD

Chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD là yếu tố quan trọng quyết định năng lực cạnh tranh, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng và lĩnh vực VLXD Thành phố nói chung. Do đó, trong thời gian qua, Sở Xây dựng đã tăng cường công tác quản lý chất lượng VLXD thông qua các hoạt động như: triển khai phổ biến; kiểm tra kết hợp với tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về VLXD tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh VLXD, các chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn, thi công xây dựng công trình.

Trong đó, chú trọng công tác hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu:

- Công bố sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (công bố hợp quy) đối với các loại sản phẩm, hàng hóa VLXD có khả năng gây mất an toàn, trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường.

- Công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với các loại sản phẩm, hàng hóa VLXD thông thường để công khai thông tin về chất lượng hàng hóa với người tiêu dùng và duy trì kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bảo quản và sử dụng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn đơn vị đã công bố phù hợp.

Qua đó, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi để người tiêu dùng lựa chọn những hàng hóa phù hợp với nhu cầu; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hiểu rõ và tuân thủ các quy định pháp luật; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch và xây dựng hàng rào kỹ thuật thương mại để hỗ trợ, phát triển sản xuất trong nước trước các hiệp định thương mại tự do. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng công trình xây dựng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

- Vấn đề bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng VLXD, hướng đến phát triển bền vững

Các yếu tố về môi trường, sinh thái trong quá trình sản xuất, kinh doanh và ngay cả trong sản phẩm VLXD tại Thành phố ngày càng được quan tâm (hạn chế sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là những nguồn không thể tái tạo; tận dụng tái chế, tái sinh những phế phẩm trong sản xuất; sản phẩm không chứa chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng...).

- Trong sản xuất, kinh doanh VLXD

Hướng dẫn Ủy ban nhân dân quận, huyện ban hành và tổ chức thực hiện Quy định khu vực, đường phố, địa điểm sản xuất, kinh doanh VLXD, nơi để phế thải VLXD, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch phát triển VLXD TPHCM đến năm 2020; hướng đến sản xuất, kinh doanh đúng nơi, đúng chỗ, phù hợp với quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển ngành và hạ tầng kỹ thuật khu vực, góp phần bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh VLXD.

- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh việc phổ biến các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư đến các doanh nghiệp, hội nghề nghiệp nhằm thu hút đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất VLXD hiện đại, thân thiện môi trường.

- Hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm với nhiều hình thức đa dạng như tham gia trưng bày, trình bày tham luận, giới thiệu sản phẩm tại các hội nghị chuyên đề; công bố giá VLXD trên trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng; giới thiệu trên tạp chí Sài Gòn Đầu tư và Xây dựng; tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó có các chương trình xúc tiến hỗ trợ xuất khẩu do Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư tổ chức (như Showroom xuất khẩu Sài Gòn, Câu lạc bộ doanh nghiệp xuất khẩu Thành phố Hồ Chí Minh...).

- Thực hiện Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất VLXD; Sở Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp nghiên cứu đẩy mạnh việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao trong sản xuất VLXD nhằm tăng cường tận dụng các phế thải công nghiệp và góp phần giải quyết vấn đề môi trường, đồng thời, giảm giá thành sản phẩm sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường).

- Nổi bật từ năm 2013 đến nay, Sở Xây dựng đã triển khai Chương trình khảo sát, thu thập thông tin về nguồn nguyên liệu sản xuất VLXD, chủng loại VLXD là thế mạnh của 07 tỉnh thuộc Vùng Thành phố Hồ Chí Minh (theo Quyết định phê duyệt đề cương Chương trình số 669/QĐ-UBND ngày 04 tháng 02 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố). Qua đó, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Sở Xây dựng của 7 tỉnh (gồm: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang) tổ chức các Hội nghị liên kết phát triển VLXD theo hướng bền vững tại các tỉnh; đồng thời, ký kết Bản thỏa thuận hợp tác về công tác quản lý, phát triển VLXD giai đoạn 2014 – 2020, nhằm đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại, đầu tư cho các doanh nghiệp VLXD mới, thân thiện với môi trường của Thành phố mở rộng thị trường ra khu vực; định hướng lâu dài cho việc phát triển bền vững lĩnh vực VLXD, phát triển đô thị của toàn Vùng.

-  Ngoài ra, Thành phố đang triển khai thực hiện Chương trình điều tra, khảo sát các cơ sở sản xuất VLXD trên địa bàn Thành phố (theo Quyết định phê duyệt đề cương Chương trình số 848/QĐ-UBND ngày 19 tháng 02 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố). Qua Chương trình, tiến hành đánh giá trình độ công nghệ sản xuất của các cơ sở sản xuất VLXD hiện nay trên địa bàn; từ đó, có giải pháp hiệu quả trong việc định hướng cho các doanh nghiệp hoàn thiện, đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất; hướng đến phát triển công nghiệp VLXD với công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của Thành phố.

Trong sử dụng VLXD

ĐỂ đẩy mạnh sản xuất, ứng dụng các sản phẩm, hàng hóa VLXD mới, thân thiện môi trường; mở rộng thị trường sản phẩm xây dựng xanh; trong thời gian qua, Sở Xây dựng đã có nhiều hoạt động như:

- Đẩy mạnh tổ chức triển khai Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) thay thế gạch đất sét nung truyền thống theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2010, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28 tháng 11 năm 2012 của Bộ Xây dựng thông qua:

+ Triển khai đồng bộ trong tất cả các khâu phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, báo cáo kinh tế kỹ thuật, thẩm định thiết kế cơ sở; cấp phép xây dựng; thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công – dự toán các công trình; kiểm tra nghiệm thu giai đoạn và hoàn thành công trình để hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng và khuyến khích các đơn vị khác sử dụng VLXKN. Tăng cường kiểm tra việc sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố.

+ Trong năm 2014, trên địa bàn TPHCM có 179 dự án, công trình sử dụng VLXKN, với nhiều loại hình đa dạng như trụ sở hành chính, khách sạn, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, chung cư, trường học, trạm y tế; với số tầng từ 01 – 55 tầng. Qua đó, từ các dấu hiệu tích cực của thị trường, số lượng cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung cũng tăng hơn so với giai đoạn trước đây (04 cơ sở năm 2010, đến nay đã tăng lên 17 cơ sở, chủ yếu là sản xuất gạch xi măng cốt liệu, sản phẩm tấm thạch cao và tấm panel cách nhiệt).

- Đẩy mạnh việc tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả QCVN 09:2013/BXD; khuyến khích phát triển công trình xanh trong hoạt động xây dựng trên địa bàn thông qua việc tăng cường triển khai tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn cho các cơ quan quản lý Nhà nước, chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn thiết kế để giới thiệu về hiệu quả của các hệ thống đánh giá công trình xanh, hướng dẫn thực hiện quy chuẩn, thiết kế tích hỢp, sử dụng các công cụ mô phỏng năng lượng và công cụ thẨm tra thiết kế. Vừa qua, Sở Xây dựng cũng triển khai kiểm tra việc tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật trong công tác phê duyệt dự án đầu tư của một số Ủy ban nhân dân quận – huyện, trong đó có vấn đề áp dụng QCVN 09:2013/BXD, để tiếp tục đúc kết kinh nghiệm, hướng dẫn và hỗ trợ thực hiện.

- Phối hợp với Sở Xây dựng các tỉnh trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và Trường Trung cấp xây dựng, các doanh nghiệp sản xuất và các chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật thi công, hướng dẫn bảo quản và sử dụng vật liệu xây không nung (tấm tường thạch cao và gạch bê tông khí chưng áp), xử lý sự cố kỹ thuật trong công trình; đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề thông qua các học kỳ tại công trường. Qua đó, nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng các sản phẩm mới, thân thiện môi trường vào công trình xây dựng.

* Bên cạnh các kết quả đạt được, các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn còn một số khó khăn, hạn chế trong phát triển VLXD mới, thân thiện môi trường:

- Vấn đề về quản lý thị trường VLXD, tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh còn hạn chế. Việc quản lý nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa VLXD còn nhiều khó khăn, phức tạp và bất cập; khó phân biệt các hàng hóa nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước (bộ phận quản lý thị trường, lực lượng của địa phương và sự phối hợp hướng dẫn của các sở ngành liên quan); hơn hết đó là ý thức của người kinh doanh, người tiêu dùng để khắc phục những hạn chế của kinh tế thị trường, chạy theo lợi nhuận trước mắt.

- Theo kết quả sơ bộ của Chương trình điều tra, khảo sát các cơ sở sản xuất VLXD trên địa bàn Thành phố; đa phần các doanh nghiệp có trình độ công nghệ sản xuất VLXD chưa tiên tiến, chưa mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ hiện đại, cũng như chưa có các giải pháp tổ chức quản lý sản xuất toàn diện. Các doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề nhãn sinh thái, sử dụng nguyên liệu tái chế tái tạo. Một phần do vấn đề vốn đầu tư còn khó khăn; công nghệ sản xuất từ phế phẩm, nguyên vật liệu tái chế đòi hỏi phức tạp trong khâu sơ chế, định phối liệu.... Đồng thời, hiện nay một số phế phẩm từ nhà máy nhiệt điện được khuyến khích sử dụng để sản xuất VLXD nhưng chưa đạt về chất lượng, cần phải đầu tư dây chuyền thu hồi từ nguồn nhà máy (Công ty Cổ phần Sông Đà Cao Cường), công suất thấp không đủ cung cấp (nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả), giá thành vận chuyển về đến Thành phố Hồ Chí Minh cao hơn so với nguyên liệu tự nhiên nhập khẩu (Công ty Cổ phần Sông Đà Cao Cường, nhà máy nhiệt điện Mông Dương).

 

II. GIẢI PHÁP TRONG VIỆC PHÁT TRIỂN VLXD MỚI, THÂN THIỆN MÔI TRƯỜNG TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP QUỐC TẾ

1.Thuận lợi và cơ hội

Thành phố là một đô thị lớn phát triển mạnh mẽ, trung tâm kinh tế, giáo dục, tài chính, khoa học công nghệ và thu hút lượng đầu tư nước ngoài lớn trong cả nước. Do đó, Thành phố có những lợi thế trong việc phát triển VLXD mới, thân thiện môi trường với thị trường VLXD đầy tiềm năng; đội ngũ lao động chất lượng cao; khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thu hút nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là các nguồn vốn FDI.

Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do sẽ dẫn đến việc cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan nhằm tiến tới việc thành lập một khu vực mậu dịch tự do; sẽ tạo ra cơ hội trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu VLXD của các doanh nghiệp, tạo nên sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp Thành phố và nước ngoài. Từ đây sẽ mở ra những cơ hội cho việc tiếp cận dễ dàng hơn các công nghệ hiện đại của các quốc gia phát triển nhằm nâng cao năng lực sản xuất, đồng thời, việc tận dụng những lợi thế về nguồn lao động dồi dào là một lợi thế nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp Thành phố.

2.Khó khăn và thách thức

Do những hạn chế về công nghệ, vốn, kinh nghiệm và thị trường tiêu thụ sản phẩm xanh nên các sản phẩm mới, thân thiện môi trường hiện nay vẫn còn khá ít, chủ yếu tập trung ở một số các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp chưa có sự liên kết, còn hoạt động đơn lẻ chưa có những chiến lược phát triển dài hạn nên các hoạt động xuất khẩu chưa mang lại lợi nhuận cao và lâu dài. Thực hiện các hiệp định thương mại tự do sẽ là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước khi các hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài sẽ tràn vào với chất lượng và giá thành có nhiều khả năng sẽ cạnh tranh hơn; trong khi, các doanh nghiệp của chúng ta năng lực cạnh tranh còn thấp, chậm đổi mới về công nghệ, còn hạn chế về chất lượng cũng như mẫu mã và còn hoạt động đơn lẻ với quy mô chủ yếu là vừa và nhỏ.

3.Giải pháp

Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, hội nhập với xu hướng phát triển xây dựng xanh, đô thị ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và chuẩn bị đón nhận các hiệp định thương mại tự do; Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có những giải pháp phát triển VLXD như sau:

- Rà soát, lập Quy hoạch phát triển VLXD Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 phù hợp với định hướng chung của cả nước, tình hình phát triển của Thành phố; trong đó, đặc biệt đẩy mạnh phát triển thị trường sản phẩm VLXD xanh đáp ứng nhu cầu xây dựng xanh (khu đô thị xanh, khu đô thị sinh thái, công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng hiệu quả).

- Tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến VLXD; các chính sách hỗ trợ, ưu đãi doanh nghiệp; kết hợp giữa khuyến khích với tổ chức quản lý, kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất, lưu thông trên thị trường và sử dụng trong công trình xây dựng. Đẩy mạnh việc vận động doanh nghiệp nghiên cứu, nâng cao chất lượng, tính năng các sản phẩm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu và mở rộng thị trường xuất khẩu; khuyến khích áp dụng đồng thời các tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng sản xuất, chất lượng sản phẩm, chất lượng môi trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường tiềm năng xuất khẩu VLXD đã và sẽ ký kết hiệp định thương mại tự do để đáp ứng các rào cản kỹ thuật, trách nhiệm môi trường, xã hội theo yêu cầu của các nước sở tại.

- Phối hợp với Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp sản xuất VLXD mới, thân thiện với môi trường đầu tư sản xuất trong các khu chế xuất, công nghiệp của Thành phố. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố có những chính sách phù hợp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại, mở rộng hoạt động sản xuất VLXD xanh. Tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phối chỉ đạo, phân công Chi cục quản lý thị trường phối hợp với Ủy ban nhân dân quận - huyện tăng cường công tác quản lý, kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng hàng hóa VLXD. Sở Xây dựng tiếp tục đẩy mạnh việc hướng dẫn các chủ đầu tư, tư vấn và đơn vị thi công xây dựng chủ động trong công tác quản lýnguồn gốc, xuất xứ, chất lượng hàng hóa VLXD sử dụng trong công trình xây dựng.

- Thực hiện liên kết phát triển vật liệu xây mới, thân thiện môi trường giữa Thành phố với các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thông qua việc tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình khảo sát, thu thập thông tin về nguồn nguyên liệu sản xuất VLXD, loại VLXD là thế mạnh của 07 tỉnh thuộc vùng Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó, đặc biệt quan tâm đến nội dung địa điểm sản xuất, nguồn cung ứng nguyên liệu sản xuất là những hạn chế trong phát triển VLXD của Thành phố. 

- Tiếp tục triển khai Chương trình điều tra, khảo sát các cơ sở sản xuất VLXD trên địa bàn Thành phố để xác định trình độ công nghệ của các cơ sở sản xuất VLXD hiện nay; xây dựng lộ trình nâng cao trình độ công nghệ, định hướng đầu tư đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp VLXD Thành phố đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích các chủ đầu tư đầu tư xây dựng công trình đạt tiêu chuẩn công trình xanh, thân thiện môi trường ngày càng nhiều tại các khu đô thị mới.

Số lượng lượt xem: 1398
Tin đã đưa