Vật liệu xây dựng

title Vật liệu xây dựng

Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa vật liệu xây không nung trong công trình xây dựng
Thứ ba, 26/02/2013, 17:00 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

Việc sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) thay thế gạch đất sét nung truyền thống là một xu hướng phát triển tất yếu do loại sản phẩm này có nhiều yếu tố vượt trội:

- Không dùng nguyên liệu đất sét để sản xuất. Vì đất sét chủ yếu khai thác từ đất nông nghiệp và đây là nguồn nguyên liệu không thể tái tạo. Việc sản xuất gạch xây nung từ đất sét biến đất canh tác thành ao hồ, biến đồng ruộng thành vùng đất trũng và sâu, ngập nước, làm giảm diện tích sản xuất cây lương thực, đe dọa về an ninh lương thực quốc gia. Để sản xuất 01 tỷ viên gạch đất sét nung có kích thước tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét, tương đương 75 ha đất nông nghiệp (độ sâu khai thác là 2 m) và 150.000 tấn than, đồng thời thải ra khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2 - gây hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường. Năm 2020 nhu cầu vật liệu xây của cả nước khoảng 42 tỷ viên quy tiêu chuẩn, nếu đáp ứng nhu cầu này bằng gạch đất sét nung sẽ tiêu tốn khoảng 57 đến 60 triệu m3 đất sét, tương đương 2.800 đến 3.000 ha đất nông nghiệp. Đồng thời tiêu tốn 5,3 đến 5,6 triệu tấn than, thải ra khoảng 17 triệu tấn khí CO2. Đây là một con số quá lớn, đe dọa đến sự phát triển bền vững của ngành xây dựng và VLXD của cả nước. Ngoài ra, đất sét nên dùng vào việc sản xuất các sản phẩm trang trí cao cấp, thẩm mỹ hơn hoặc gạch đặc chủng mang lại giá trị kinh tế cao cho ngành công nghiệp VLXD, đồng thời giảm được một khoảng ngoại tệ dùng cho nhập khẩu các loại sản phẩm cao cấp này…

- Có thể tận dụng phế thải công nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm nhiên liệu (như than, củi, dầu DO). Theo quy hoạch phát triển ngành điện và luyện kim, lượng tro, xỉ phát thải hằng năm tăng nhanh, dự kiến đến năm 2020 sẽ khoảng 45 triệu tấn và sẽ cần khoảng 1.100 ha mặt bằng để chứa phế thải. Việc tận dụng phế thải công nghiệp để sản xuất VLXKN đóng vai trò tích cực trong việc bảo vệ môi trường.

- Có khả năng cách âm, cách nhiệt, chịu nhiệt tốt, bền, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm thời gian thi công, một số loại gạch nhẹ có tỷ trọng thấp qua đó giảm tải trọng công trình và tiết kiệm chi phí xây dựng…

Tổng hợp các ưu điểm nêu trên, VLXKN được xem như loại VLXD thân thiện với môi trường và hiện đang được nhà nước khuyến khích sản xuất và sử dụng để thay thế gạch đất sét nung truyền thống. Sở Xây dựng phổ biến đến các tổ chức, cá nhân hoạt động ngành xây dựng và VLXD về Chương trình phát triển VLXKN của Chính phủ và cách thức quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXKN trong công trình xây dựng như sau:

1. CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN VLXKN:

A) Chương trình phát triển VLXKN theo Quyết định số 567/QĐ-TTg:

Ngày 28/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020. Theo đó, định hướng phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN đến năm 2020 được quy định tại Quyết định số 567/QĐ-TTg như sau:

- Về chủng loại sản phẩm:

+ Gạch xi măng - cốt liệu: Tỷ lệ gạch xi măng - cốt liệu trên tổng số VLXKN khoảng 74% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020.

+ Gạch nhẹ: Tỷ lệ gạch nhẹ trên tổng số VLXKN khoảng 21% vào năm 2015 và 25% vào năm 2020. Gạch nhẹ có 2 loại sản phẩm chính sau:

* Gạch từ bê tông khí chưng áp (AAC): Tỷ lệ gạch AAC trên tổng số VLXKN khoảng 16% vào năm 2015 và 20% vào năm 2020;

* Gạch từ bê tông bọt: Tỷ lệ gạch từ bê tông bọt trên tổng số VLXKN khoảng 5% từ năm 2015. 

+ Gạch khác (đá chẻ, gạch đá ong, VLXKN từ đất đồi và phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp, gạch silicát...) đạt tỷ lệ khoảng 5% từ năm 2015 trên tổng số VLXKN.

- Về công nghệ và quy mô công suất: Phát triển các cơ sở sản xuất VLXKN bằng công nghệ tiên tiến với quy mô công suất phù hợp với từng vùng, khu vực.

- Sử dụng VLXKN:

+ Từ năm 2011, các công trình nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên) sử dụng tối thiểu 30% VLXKN loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn 1000kg/m3) trong tổng số vật liệu xây;

+ Khuyến khích các công trình xây dựng sử dụng VLXKN khác có độ rỗng lớn hơn 30% và VLXKN loại nhẹ.

B) Nội dung cơ bản của Chỉ thị tăng cường sử dụng VLXKN số 10/CT-TTg:

Ngày 16/4/2012, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc tăng cường sử dụng VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số nội dung chủ yếu như sau:

- Khuyến khích sản xuất và ưu tiên sử dụng VLXKN, kể cả các sản phẩm tấm tường thạch cao và tấm 3D (loại sản phẩm này chưa được quy định rõ trong Quyết định số 567/QĐ-TTg).

- Các công trình sử dụng vốn nhà nước như: Trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học… bắt buộc phải sử dụng VLXKN. Các công trình nhà cao tầng không phân biệt nguồn vốn, ưu tiên sử dụng VLXKN, đặc biệt là VLXKN loại nhẹ tối thiểu phải đạt 30% trong tổng số vật liệu xây. Khi phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, các chủ đầu tư phải chú ý việc ưu tiên sử dụng VLXKN. Việc này sẽ được Bộ Xây dựng ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách một cách đồng bộ.

- Giao Bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế suất của thuế tài nguyên đối với đất sét sản xuất gạch lên mức tối đa (15%). Đồng thời, giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát trình Hội đồng nhân dân quyết định nâng mức phí bảo vệ môi trường đối với việc khai thác đất sét làm gạch lên mức tối đa.

- Một số biện pháp cụ thể khác nhằm đẩy mạnh việc chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và thu hồi tro, xỉ và thạch cao đảm bảo chất lượng để làm nguyên liệu cho sản xuất VLXKN…

C) Triển khai thực hiện Chương trình phát triển VLXKN tại TP. Hồ Chí Minh:

- Trong Quy hoạch phát triển VLXD TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020, UBND thành phố cũng đã đề ra định hướng phát triển VLXKN để thay thế gạch đất sét nung truyền thống.

- Theo đó, thành phố xác định rõ định hướng phát triển đối với vật liệu xây như sau:

+ Không khai thác đất sét sản xuất gạch xây nung, không đầu tư các cơ sở sản xuất gạch xây nung trên địa bàn thành phố. 

+ Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các cơ sở sản xuất gạch không nung trong các khu công nghiệp để phục vụ cho nhu cầu của thành phố. 

+ Phát triển sản xuất các loại vật liệu nhẹ, siêu nhẹ dùng để làm tường, vách ngăn, vật liệu chống cháy, chậm cháy, vật liệu cách âm, cách nhiệt, cách điện, tiết kiệm năng lượng, vật liệu mới…

- Trong năm 2011, thành phố đã tổ chức và thực hiện thành công việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất gạch nung bằng lò thủ công trên địa bàn (305 lò gạch thủ công của 94 cơ sở tại quận 9 và Thủ Đức).

- Sở Xây dựng đã phối hợp với Vụ Vật liệu Xây dựng của Bộ Xây dựng, Hội Vật liệu Xây dựng, Hiệp hội Xây dựng và VLXD thành phố tổ chức một số hội thảo liên quan nhằm khuyến khích phát triển VLXKN; phối hợp với các tỉnh miền Đông Nam bộ trong vùng TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị giao ban, liên kết, hợp tác trong nhiều lĩnh vực của ngành xây dựng, trong đó có lĩnh vực VLXD, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp VLXD có thể phát triển mạnh tại các tỉnh.

Sở Xây dựng hiện đang trình UBND thành phố Chỉ thị khuyến khích và tăng cường sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, trong đó tham mưu các công việc cụ thể của các Sở ngành, UBND quận huyện và đơn vị có liên quan, nhằm triển khai thực hiện chương trình một cách có hiệu quả.

2. QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA VLXKN SỬ DỤNG TRONG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG:

Theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXKN được phân chia theo quá trình tạo nên sản phẩm, hàng hóa: Quản lý chất lượng trong quá trình sản xuất; xuất khẩu, nhập khẩu; lưu thông trên thị trường và sử dụng trong công trình xây dựng. Trong đó, quản lý chất lượng từ sản xuất hoặc nhập khẩu xét đến cùng nhằm mục tiêu đảm bảo chất lượng VLXKN được sử dụng trong công trình xây dựng. Do đó, việc các chủ đầu tư, đơn vị thi công và các đơn vị tư vấn tổ chức quản lý chất lượng vật tư, vật liệu khi sử dụng đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

2.1. Các tiêu chuẩn quốc gia hiện hành về mức yêu cầu kỹ thuật của các loại VLXKN:

- Quyết định số 3628/QĐ-BKHCN ngày 24/11/2011 của Bộ Khoa học & Công nghệ về việc công bố tiêu chuẩn quốc gia. Trong đó có các tiêu chuẩn liên quan đến VLXKN:

- TCVN 6477:2011 - Gạch bê tông.

- TCVN 7959:2011 - Bê tông nhẹ - Gạch bê tông khí chưng áp (AAC).

- TCVN 9029:2011 - Bê tông nhẹ - Gạch bê tông bọt, khí không chưng áp – Yêu cầu kỹ thuật.

- TCVN 9028:2011 - Vữa cho bê tông nhẹ.

- Quyết định số 1676/QĐ-BKHCN ngày 14/8/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc công bố tiêu chuẩn quốc gia. Trong đó có tiêu chuẩn tấm 3D:

- TCVN 7575-1: 2007 - Tấm 3D dùng trong xây dựng – Phần 1: Quy định kỹ thuật.

- TCVN 7575-3: 2007 - Tấm 3D dùng trong xây dựng – Phần 3: Hướng dẫn lắp dựng.

- Quyết định số 3099/QĐ-BKHCN ngày 31/12/2010 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc công bố tiêu chuẩn quốc gia. Trong đó có tiêu chuẩn TCVN 8256:2009 Tấm thạch cao - Yêu cầu kỹ thuật. 

2.2.   Nội dung quản lý chất lượng hàng hóa VLXD trong quá trình sử dụng trong công trình xây dựng:

Theo quy định tại Điều 42 – Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Điều 14 – Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa: Hàng hóa VLXKN phải được sử dụng, vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, bảo trì, bảo dưỡng theo hướng dẫn của người sản xuất. Người sử dụng, người sở hữu hàng hóa có trách nhiệm tuân thủ các điều kiện quy định tại Điều 42 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm bảo đảm chất lượng hàng hóa trong quá trình sử dụng.

Các nội dung kiểm tra chất lượng hàng hóa VLXKN trong quá trình sử dụng trong công trình xây dựng được quy định tại Điều 16 – Nghị định số 132/2008/NĐ-CP và Điều 12, Điều 14 – Thông tư số 27/2009/TT-BXD ngày 31/7/2009 của Bộ Xây dựng, cụ thể:

A) Về tài liệu thuyết minh hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu thi công xây dựng:

Tài liệu thuyết minh hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu thi công xây dựng phải được thông báo cho chủ đầu tư biết trước khi thi công xây dựng, bao gồm:

- Kế hoạch và phương thức kiểm soát, đảm bảo chất lượng vật tư, vật liệu (bao gồm VLXKN), cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị công trình và thiết bị công nghệ được sử dụng, lắp đặt vào công trình.

- Kế hoạch tổ chức thí nghiệm VLXD (bao gồm VLXKN) theo yêu cầu của chủ đầu tư và đơn vị thiết kế.

B) Về việc chủ đầu tư tổ chức kiểm tra sự phù hợp về chất lượng VLXKN theo yêu cầu của tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho công trình và yêu cầu thiết kế:

- Đối với các sản phẩm VLXKN được sản xuất công nghiệp và đã là hàng hóa trên thị trường:

- Chủ đầu tư kiểm tra:

* Xuất xứ hàng hóa. 

* Nhãn mác hàng hóa theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.

* Công bố tiêu chuẩn áp dụng của nhà sản xuất hoặc nhập khẩu theo quy định tại Điều 23 – Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

- Chủ đầu tư có thể tiến hành kiểm tra hoặc yêu cầu nhà thầu kiểm tra cơ sở sản xuất hàng hóa; thí nghiệm, kiểm định chất lượng hàng hóa khi nghi ngờ hoặc theo yêu cầu của thiết kế, yêu cầu của tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho công trình. Kết quả thí nghiệm VLXKN phải của các phòng thí nghiệm hợp chuẩn được Bộ Xây dựng công nhận còn hiệu lực.

- Đối với các sản phẩm VLXKN được sản xuất, chế tạo lần đầu sử dụng vào công trình theo yêu cầu của thiết kế:

- Trường hợp sản phẩm được sản xuất, chế tạo trong các cơ sở sản xuất công nghiệp: Chủ đầu tư kiểm tra chất lượng tương tự nội dung đối với các sản phẩm VLXKN được sản xuất công nghiệp và đã là hàng hóa trên thị trường, kết hợp với việc kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất trong quá trình sản xuất.

- Trường hợp sản phẩm được sản xuất, chế tạo trực tiếp tại công trường: Chủ đầu tư tổ chức giám sát chất lượng theo quy định tại Điều 21 - Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ.

Tóm lại, các loại VLXKN thông dụng hiện nay chưa phải là VLXD nhóm 2 (sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, sử dụng trong công trình xây dựng có tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho người và công trình xây dựng, cho môi trường xung quanh). Do đó, việc kiểm soát chất lượng của VLXKN được sử dụng vào công trình chủ yếu dựa vào việc so sánh, đối chiếu mức chất lượng của vật liệu được cung cấp đến công trình so với tiêu chuẩn chất lượng do nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu công bố áp dụng. Trường hợp nhà sản xuất hoặc nhập khẩu không công bố tiêu chuẩn áp dụng thì sản phẩm, hàng hóa đó không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường và sử dụng trong công trình xây dựng. Tiêu chuẩn áp dụng có thể là tiêu chuẩn Việt Nam (như một số tiêu chuẩn TCVN đã nêu tại khoản 2.1, mục 2 nêu trên), hoặc tiêu chuẩn nước ngoài (trường hợp nhà sản xuất tự nhận thấy có năng lực duy trì hoạt động sản xuất đáp ứng mức yêu cầu kỹ thuật của tiêu chuẩn nước ngoài), hoặc tiêu chuẩn cơ sở do nhà sản xuất tự xây dựng..

PHÒNG QUẢN LÝ VẬT LIỆU XÂY DỰNG - SỞ XÂY DỰNG TP. HỒ CHÍ MINH

Số lượng lượt xem: 448
Tin đã đưa