Vấn đề bảo tồn di sản gắn với phát triển đô thị bền vững
Vật liệu xây dựng
Vật liệu xây dựng
Với lịch sử hình thành và phát triển hơn ba thế kỷ, chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác nhau, Thành phố Hồ Chí Minh có hệ thống di sản đô thị khá đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, trước áp lực của quá trình phát triển đô thị, xây dựng các khu đô thị mới, chỉnh trang đô thị hiện hữu và dân số gia tăng quá nhanh, đã dẫn đến những thách thức trong công tác bảo tồn di sản tại Thành phố Hồ Chí Minh. Do vậy, làm thế nào để góp phần nâng cao nhận thức, chia sẻ một số kinh nghiệm đã triển khai trong công tác bảo tồn ở một số địa phương trong và ngoài nước, qua đó đề xuất một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới; Viện Nghiên cứu phát triển thành phố (HIDS) - với tư cách là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, phối hợp với Trung tâm Dự báo và Nghiên cứu đô thị (PADDI) và Nhóm liên kết vì phát triển bền vững (SDWG) cùng tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Bảo tồn di sản và phát triển bền vững” tại Hội trường Viện Nghiên cứu phát triển vào ngày 18/3/2014.
Từ kết quả tọa đàm cho thấy, thực trạng công tác bảo tồn các công trình cũ, có giá trị kiến trúc, gắn với giai đoạn lịch sử cũng gặp nhiều khó khăn tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua. Một số công trình quan trọng đã bị phá bỏ, chẳng hạn như nhưDự án đại lộ Đông Tây đã làm mất đi Bến Bình Đông, một di sản kiến trúc, văn hóa của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh trong lịch sử 300 năm phát triển; 3 toà nhà cổ tọa lạc trước đây trong khu vực của Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh,đã bị đập bỏ và thay thế bằng việc thiết kế và xây dựng mới một công trình thương mại VINCOM khá hiện đại và gần đây khu biệt thự cổ 200 Lý Chính Thắng cũng bị phá bỏ… Qua đó, hội thảo cũng đề xuất thành phố cần làm rõ các công trình phá hủy trước đây là do giá trị công trình kiến trúc thấp hơn các công trình khác hay do giá trị đất đai quá thấp, đã dẫn đến hiện tượng trên. Đồng thời, cần chú trọng công năng của các công trình còn lại. Nên có tiêu chí phân loại mức độ quan trọngcủa các công trình còn lại để có kế hoạch bảo tồn sao cho phù hợp.Hiện nay, các công trình đã được lên danh sách công nhận di sản có khả năng sẽ được giữ lại, nhưng còn các công trình chưa được lên danh sách, mới đáng lo ngại.
Về thời cơ và thách thức, có ý kiến cho rằng trong bối cảnh thị trường bất động sản đang xuống dốc hiện nay, sẽ là cơ hội để giảm bớt sức tăng trưởng nóng của thị trường như trước đây; việc triển khai công tác bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị, sẽ được thuận lợi hơn do không bị áp lực phá bỏ và xây mới. Tuy nhiên, cũng có ý kiến ngược lại cho rằng, do các công trình kiến trúc có giá trị bảo tồn, thường tọa lạc ở khu trung tâm (trên nền đất sẵn có), sẽ dễ dàng đầu tư, chỉnh trang hơn, so với phải đầu tư phát triển các khu dân cư mới, liên quan đến áp lực nộp tiền sử dụng đất quá cao (khó thực hiện); do vậy, việc phá bỏ và xây mới các công trình cũ, trên nền đất sẵn có, sẽ thuận tiện và dễ dàng hơn so với việc đầu tư công trình trên đất mới. Nhìn chung, cho dù phân tích theo kịch bản nào, nhưng một điều thấy rất rõ là nguy cơ về việc sửa chữa hoặc đập bỏ xây mới, làm thay đổi hiện trạng của các công trình kiến trúc có giá trị bảo tồn, vẫn có xác xuất xảy ra rất cao trong giai đoạn hiện nay và do vậy, thành phố cần chuẩn bị sẵn một cơ chế thực hiện bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị, mang tính lâu dài. Kinh nghiệm thế giới cũng chỉ ra rằng, sự đồng thuận của dân cư tại chỗ là rất quan trọng, liên quan đến vai trò của cộng đồng tại chỗ trong công tác bảo tồn. Tuy nhiên do cấu trúc dân cư thường bị thay đổi bởi hiện tượng di dân trong quá trình đô thị hóa, những cư dân mới đến từ các nơi, thường không có nhận thức sâu sắc về các di sản bảo tồn lâu đời, gắn với cuộc sống lâu đời của chính họ, nên nguy cơ không ủng hộ việc giữ lại các công trình di sản vẫn khá cao. Vì vậy, việc giáo dục, tuyên truyền rộng rãinâng cao nhận thức của cư của toàn bộ dân đô thị là rất cần thiết hiện nay. Cách thức tuyên truyền về giá trị các công trình kiến trúc cần cụ thể, thiết thực (không quá sâu về chuyên môn), đề người dân thấy được “cái đẹp” trong giữ gìn, bảo tồn các công trình, quyết tâm cải tạo cái cũ, cái xấu theo hướng sửa chữa thành các công trình có ích (như chuyển đổi thành quán cà phê, với phong cảnh truyền thống…), sẽ tạo ra sản phẩm văn hóa có giá trị cao hơn. Bài học kinh nghiệm ở Hà nội vừa qua cũng cho thấy, nhờ sự quyết tâm của người dân, một dự án xây dựng công trình cao tầng tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, đã bị hủy bỏ.
Di sản theo ý nghĩa hiện nay, không chỉ là những giá trị đang tồn tại về khía cạnh kiến trúc, mà còn tồn tại ở giá trị cảnh quan (như văn hóa sông nước, văn hóa cà phê, cà phê vỉa hè…). Bên cạnh đó, ý nghĩa di sản còn đề cập đến không chỉ về khía cạnh kiến trúc mà còn gắn với những câu chuyện (stories). Theo trường phái bảo tồn gắn với phát triển du lịch, mỗi công trình có tiềm năng bảo tồn, thường gắn với một nhân vật hoặc một sự kiện lịch sử trước đây đã cư ngụ, gợi lại những câu chuyện về quá khứ của một giai đoạn nhất định (chẳng hạn như công trình nhà ở của một số nhân vật lịch sử trong và ngoài nước, đã từngcư ngụ ở Sài gòn trước đây, mà hiện nay còn tồn tại). Việc kết hợp giữa câu chuyện lịch sử gắn với công trình, sẽ kết hợp làm tăng giá trị bảo tồn và hấp dẫn du khách đến nhiều hơn. Kinh nghiệm cũng chothấy nếu như chủ sở hữu của công trình cũ,nhận thức được giá trị văn hóa và lợi ích đi liền nhau, việc tiến hành bảo tồn sẽ thuận lợi hơn. Điều này cũng gắn với công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các chủ sở hữu công trình nói chung. Từ đó cho thấy, chiến lược phát triển thành phố không chỉ tập trung về khía cạnh kinh tế mà còn tập trung phát triển khía cạnh văn hóa, là rất quan trọng. Cần hài hòa lợi ích giữa phát triển kinh tế và văn hóa và hài hòa giữa lợi ích của các nhóm dân cư khác nhau.
Kết quả hội thảo cũng nêu lên một số bài học kinh nghiệm. Để công tác bảo tồn thành công, điều quan trọng là không nên “đóng băng” các di tích, di sản, sau khi được công bố do nguồn lực ngân sách nhà nước không đủ hỗ trợ, mà cần xem xét áp dụng chiến lược bảo tồn một phần nào đó (phần cốt lõi trong công trình), chỉ giữ lại khu nhà chính để bảo tồn, thay vì bảo tồn toàn bộ công trình, như kinh nghiệm một số quốc gia đã làm như Singapore.Chủ sở hữu có thể chia nhỏ phần còn lại của khu đất để xây cất mới bổ sung. Khác với Thành phố Hồ Chí Minh, kinh nghiệm bảo tồn di sản ở Nam Lào có khá nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết cần được khuyến cáo như cần tiếp cận hình thành khung pháp lý, cải tiến quy trình cấp phép xây dựng, phát triển thuế hỗ trợ di sản… Riêng đối với khu vực Hà nội “Ba mươi sáu phố phường” đã được nghiên cứu bảo tồn, kinh nghiệm của chuyên gia Pháp triển khai tại đây cũng chỉ rõ, trước tiên, họ đã chọn một căn nhà trùng tu trong khu vực này làm tâm điểm triển khai, để nhân rộng ra về sau; đồng thời họ đã thành lập một văn phòng bảo tồn khu phố cổ, tiến hành cải tạomột tuyến phố trung tâm, trong đó chú trọng mặt tiền của các căn nhà dọc tuyến phố, kết hợp kinh doanh nhà ở của các hộ dân dọc tuyến. Qua quá trình nghiên cứu, đến thời điểm tháng 11/2013 Quy chế bảo tồn khu phố cổ Hà Nội đã được ban hành, trong đó quy định nhà mặt tiển trong khu vực chỉ xây dựng tối đa không quá 3 tầng. Bên cạnh đó, dự án bảo tồn khu làng cổ Đường Lâm ở Hà Nội (thuộc Thị xã Sơn Tây trước đây), qua quá trình nghiên cứu, cũng đã xác lập một khuôn khổ pháp lý cũng như một cơ chế bước đầu khuyến khích nhà đầu tư tham gia.
Về kinh nghiệm triển khai công tác bảo tồn, hội thảo cũng nêu ra một số bài học từ thực tiễn vừa quanhư khi công bố “bảo tồn” công trình, cần có quy định cho phép chủ nhà linh hoạt trong một khuôn khổ điều kiện nhất định, đồng thời cần làm rõ một số hỗ trợ từ phía Trung ương và thành phố, chẳng hạn như sẽ được miễn nộp thuế hoặc phí, khi chủ nhà tiến hành cải tạo, trùng tu tòa nhà, theo quy định. Cần lưu ý phần ngoài căn nhà nên có những quy định nghiêm ngặt về cảnh quan kiến trúc khi cải tạo. Riêng lối đi bên trong (bên ngoài không nhìn thấy), có thể can thiệp (thay đổi cấu trúc),nhưng vẫn thông qua một quy trình kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước. Hay nói khác đi, bên trong theo quy định nên có nhiều “khoảng trống” để dễ dàng thay đổi hơn. Thực hiện tốt điều này cũng đòi hỏi chủ sở hữu phải có nhận thức đúng về giá trị của công trình. Nhà nước hỗ trợ cho người dân và hội đoàn tham gia trong quá trình cải tạo. Cần áp dụng nghiêm nghiêm ngặt quy định như không được lắp thang máy trong nhà, đối với công trình bảo tồn theo truyền thống. Cơ quan đặc trách sẽ theo dõi rất kỹ việc cải tạo tòa nhà (nhất là phần sẽ bị thay đổi vĩnh viễn sau khi cải tạo). Chính quyền sẽ có nguồn nhân lực để triển khai quản lý và nhất là xây dựng cơ chế bảo tồn để quản lý các công trình có giá trị. Hồ sơ sẽ được đưa ra Ủy ban chuyên trách để thẩm định và trình lãnh đạo thành phố ra quyết định.
Kinh nghiệm Singapore cũng cho thấy, để triển khai công tác bảo tồn công trình kiến trúc sẵn có, cần thực hiện theo phương châm “kiểm soát bên ngoài và hỗ trợ bên trong” khi cải tạolại tòa nhà có giá trị bảo tồn, gắn với việc cho phép chuyển đổi chức năng công trình sao cho phù hợp. Tuy nhiên kết quả chưa thành công trong công tác bảo tồn ở Singapore cũng đã được nêu ra, là đã chưa giữ lại “người dân gốc” ở China Town theo ý nghĩa cần giữ lại “hồn nơi chốn” của một khu vực nào đó cần được bảo tồn.
Một số khuyến cáo về cơ chế tài chính dành cho công tác bảo tồn cũng được nêu ra tại hội thảo, thông qua nghiên cứu điển hình dự án bảo tồn khu Chợ Lớn; chẳng hạn như cơ chế có thể kêu gọi sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân trong nước (cá nhân và doanh nghiệp) quan tâm đến việc quãng bá thương hiệu, hoặc là tổ chức các đợt xổ số quốc gia địa phương dành cho bảo tồn, hoặc là gây quỹ trong nước và quốc tế cho các dự án bảo tồn cụ thể. Bên cạnh đó, còn có thể áp dụng công cụ hỗ trợ “chéo” giữa các cấu phần tạo nguồn thu và các cấu thành không tạo nguồn thu. Ngoài ra, cũng có thể áp dụng phân bổ một tỷ lệ cố định trong thuế VAT cho việc đầu tư tái tạo di sản; áp dụng một số loại thuế đặc biệt đối với khách lưu trú ở khách sạn hoặc áp dụng các loại vé vào cửa các công trình di sản, bảo tàng, các cơ sở văn hóa cho các đối tượng khác nhau (khách trong nước và nước ngoài) và dành nguồn thu này cho công việc tái tạo hoặc là áp dụng thu thuế sử dụng không gian công cộng cho mục đích kinh doanh... Những khuyến cáo này, nếu nghiên cứu và thực hiện thành công, sẽ góp phần hỗ trợ công tác bảo tồn Thành phố Hồ Chí Minh mang tính bền vững.
Tóm lại, mặc dù một số kinh nghiệm trong công tác bảo tồn đã được chia sẻ trong hội thảo này có thể nghiên cứu vận dụng trong thời gian tới; tuy nhiên vấn đề khó khăn lớn nhất hiện naytrong quá trình triển khai thực hiện, là làm thế nào để giải quyết sự “xung đột” giữa một bên là ý chí muốn giữ lại các công trìnhcó giá trị kiến trúc, văn hóa lịch sử; một bên là những tác động mạnh mẽ từ “lực thị trường”với động lực là lợi nhuận, đã dẫn đến việc phá bỏ và xây mới các công trìnhkiến trúc có giá trị bảo tồn. Quan điểm giải quyết vấn đề này, có lẽ là phải chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt trong một số trường hợp, để bảo tồn và giữ gìn giá trị di sản kiến trúc, mang tính lâu dài. Do vậy, đứng trên phương diện vĩ mô, đòi hỏi chính quyền phải có một chiến lược linh hoạt theo từng giai đoạn,đối với công tác bảo tồn. Muốn vậy, nhận thức về ý nghĩa, lợi ích và tầm quan trọng của công tác bảo tồn phải được tuyên truyển không chỉ trong dân cư, mà còn được trang bị cho cán bộ quản lý đô thị có liên quan từ cấp trung ương đến địa phương, nhất là đối với những người trực tiếp chịu trách nhiệm ra quyết định về vấn đề chỉnh trang, xây mớilại các công trình, các khu dân cư; đồng thời vẫn phải tiếp tục xây dựng một khung pháp lý hoàn chỉnh (trong đó có cả cơ chế tài chính dành cho bảo tồn), làm căn cứ để triển khai thực hiện một cách thống nhất, với sự giám sát của công chúng, là vấn đề cấp thiết hiện nay.
TS. Dư Phước Tân
- Công bố giá hàng vật liệu xây dựng và trang trí nội thất tháng 3 năm 2014 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (19/04/2014)
- Hội nghị liên kết phát triển vật liệu xây dựng theo hướng bền vững tại tỉnh Đồng Nai (05/04/2014)
- Báo cáo tình hình tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy Quý I/2014 (Từ ngày 01/01/2014 đến ngày 25/3/2014) (03/04/2014)
- Thông báo về việc tổ chức Hội nghị liên kết phát triển vật liệu xây dựng theo hướng bền vững tại tỉnh Tây Ninh (31/03/2014)
- Công bố giá hàng vật liệu xây dựng và trang trí nội thất tháng 2 năm 2014 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (19/03/2014)