Vật liệu xây không nung thân thiện với môi trường
Vật liệu xây dựng
Vật liệu xây dựng
Gạch xây là loại vật liệu được sử dụng rộng rãi trong tất cả công trình xây dựng, được tổ chức sản xuất khắp cả nước, thành phố Hồ Chí Minh tập trung chủ yếu tại huyện Thủ Đức (nay là quận Thủ Đức, quận 9 và quận 2) và phần lớn tập trung tại Phường Long Bình, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9. Với gần 100 cơ sở sản xuất có trên 300 cặp lò thủ công, 01 lò Hoffman và 01 lò Tuynel, hàng năm đã cung cấp cho thị trường gần 400 triệu viên gạch nung quy tiêu chuẩn, đáp ứng phần nào cho các công trình xây dựng tại thành phố và các khu vực lân cận.
Gạch đất sét nung có nhiều loại kích thước, có độ bền cơ học từ mác 35 đến mác 50, đối với nhà máy có công nghệ nhào trộn, đùn ép, hút chân không, nung bằng lò Hoffman hoặc Tuynel thì sản phẩm gạch có độ rỗng kích thước lớn hơn, mác gạch đạt cao nhất từ 75 đến mác 100. Tuy nhiên, gạch có kích thước nhỏ tốn nhiều công xây, tốn nhiều vữa trát, hiện nay không còn phù hợp với việc xây dựng các công trình cao tầng, đòi hỏi tiến độ nhanh. Vì vậy đã từ lâu nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước phát triển, đã giảm dần sản xuất gạch đất sét nung để từng bước chuyển sang sản xuất vật liệu xây không nung như gạch xi măng – cốt liệu, gạch bê tông nhẹ, gạch bê tông khí chưng áp có kích thước lớn, thể tích lớn, cường độ nén cao, khi sử dụng sẽ giảm được tải trọng tường xây, góp phần hạ được giá thành cho những công trình cao tầng; ngoài ra vật liệu xây không nung còn có nhiều ưu điểm nổi trội như dùng làm tường ngăn rất thuận lợi vừa nhẹ vừa cách âm, cách nhiệt rất tốt.
Sản xuất gạch đất sét nung với khối lượng lớn trong những năm qua đáp ứng nhu cầu xây dựng là một thành quả đáng tự hào cho ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, nhưng đồng thời cũng thể hiện một số nhược điểm như tiêu hao một lượng đất sét khổng lồ, giảm đáng kể diện tích đất canh tác cho nông nghiệp, biến đất canh tác thành ao hồ, biến đồng ruộng thành vùng đất trũng, sâu ngập nước; nguồn tài nguyên này đã bắt đầu đang dần cạn kiệt, không thể tái tạo và chắc chắn sẽ không còn nhiều trong tương lai. Thay vì sản xuất gạch xây thông dụng, lượng đất sét này, chúng ta có thể dùng vào việc sản xuất các sản phẩm trang trí cao cấp hơn, thẩm mỹ hơn hoặc gạch đặc chủng mang lại giá trị kinh tế hơn cho ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, đồng thời giảm được một khoản ngoại tệ dùng cho nhập khẩu các loại sản phẩm này.
Ngoài vấn đề tiêu hao tài nguyên, trong quá trình sản xuất gạch đất sét nung, khi nung gạch sẽ gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh; các lò nung gạch đã sử dụng một lượng lớn than cám, lâm sản để làm chất đốt, đặc biệt các lò đứng thủ công đã tận dụng phế thải công nghiệp để làm chất đốt, thải ra bầu khí quyển một lượng lớn khí thải độc hại CO2, SO2 ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng cư dân sinh sống trong khu vực, giảm năng suất cây trồng làm cho môi trường sống ngày càng xuống cấp, về lâu dài sẽ tác động đến hiệu ứng nhà kính làm biến đổi khí hậu, đi ngược lại xu thế vì môi trường trong lành, trái đất xanh.
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng do quá trình nung, đốt gạch gây ra, tài nguyên quốc gia ngày càng cạn kiệt, không tái tạo; vào năm 2010, Chính phủ đã ban hành Quyết định 567/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020. Phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, củi, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội; năm 2012 Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ráo riết về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung; giao trách nhiệm cho các ngành theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách đồng bộ để tạo điều kiện pháp lý cho các chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện việc đưa vật liệu xây không nung vào các công trình xây dựng. Để thực hiện, cuối tháng 11 năm 2012 Bộ Xây dựng đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng theo lộ trình, kể từ ngày 15/01/2013 các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung, tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung, sau năm 2015 phải sử dụng 100%, riêng các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ nay đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây).
Vật liệu xây không nung bao gồm: Gạch xi măng – cốt liệu; gạch nhẹ (Gạch từ bê tông khí chưng áp, gọi tắt là gạch AAC; gạch từ bê tông bọt); gạch khác (đá chẻ, gạch đá ong, vật liệu xây không nung từ đất đồi và phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp, gạch silicát...).
Trên quan điểm để đầu tư sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung, chủ đầu tư, cơ sở sản xuất phải lựa chọn quy mô công suất hợp lý, công nghệ hiện đại, sạch, tiêu tốn ít năng lượng, nguyên liệu; sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa, quốc tế; từng bước loại bỏ các cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và hiệu quả kinh tế thấp. Để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất và kinh doanh vật liệu xây không nung, Nhà nước đã ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu; các dự án chế tạo thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung nhẹ và sản xuất gạch xi măng - cốt liệu công suất từ 7 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm trở lên được hưởng ưu đãi như đối với các dự án thuộc chương trình cơ khí trọng điểm...
Việc thực hiện đầu tư cần đa dạng hoá các hình thức đầu tư, thu hút mọi nguồn lực vào phát triển sản xuất vật liệu xây không nung. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào sản xuất và kinh doanh loại vật liệu mới này.
Khi đưa nhà máy đi vào hoạt động sản xuất, sản phẩm phải phù hợp với điều kiện khí hậu, phù hợp với tập quán sinh hoạt ở Việt Nam, vừa có tính truyền thống vừa hiện đại, thân thiện môi trường, có sức cạnh tranh cao ở thị trường trong nước và thị trường quốc tế.
Vì vậy, chương trình phát triển sản xuất và sử dụng loại vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung phấn đấu đạt tỷ lệ từ 20% đến 25% vào năm 2015 và từ 30% đến 40% vào năm 2020.
Vật liệu xây không nung như gạch xi măng cốt liệu, gạch bê tông nhẹ… sử dụng các nguồn nguyên vật liệu chính trong tự nhiên như: đá, cát, xi măng. Các loại nguyên vật liệu này có mặt ở khắp nơi, việc khai thác, gia công, chế biến và sử dụng chúng không gây tác động đến môi trường tự nhiên; gạch xây không nung khác (đá chẻ, gạch đá ong, vật liệu xây không nung từ đất đồi và phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp, gạch silicát...). Có thể nói, gạch xây không nung không chỉ là sản phẩm gạch xây thông thường mà khi sử dụng nó còn mang thời đại; vì nó bảo vệ môi trường, nguyên liệu để sản xuất gạch xây không nung là những sản phẩm của vật liệu xây dựng khác đã hoàn chỉnh như xi măng, vôi, cát, bột đá, nguyên liệu cũng có thể là các phế thải trong công nghiệp xây dựng, công nghiệp khai thác khoáng sản, phế liệu trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến… nó được ví như nhà máy xử lý chất thải trong cuộc sống của chúng ta.
Quá trình sản xuất gạch xây không nung không sinh ra chất gây ô nhiễm, không tạo ra chất phế thải hoặc thải ra khí độc hại làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại cho sức khỏe cộng đồng cư dân; về lâu dài nó là nguyên nhân tác động đến hiệu ứng nhà kính gây biến đổi khí hậu, dẫn đến thiên tai. Năng lượng tiêu thụ trong quá trình sản xuất gạch không nung chiếm một phần nhỏ so với quá trình sản xuất các vật liệu khác, nhà sản xuất tiết kiệm được nhiên, nguyên liệu, giá thành sản phẩm thấp giúp cho người tiêu dùng có chọn lựa hợp lý với suất đầu tư.
Sản phẩm có tính chịu lực cao, cách âm, cách nhiệt tốt hơn vật liệu nung. Mẫu mã đa dạng, kích thước khác nhau, thích ứng tính đa dạng trong xây dựng. Cơ sở sản xuất có thể phát triển theo nhiều quy mô khác nhau, không bị khống chế nhiều về mặt bằng sản xuất. Suất đầu tư thấp hơn gạch đất sét nung...
Vật liệu xây không nung là loại vật liệu được phối hợp từ các nguyên liệu như xi măng, cát, mạt đá, các phế phẩm công nghiệp…. qua xử lý, đồng thời bổ sung thêm chất phụ gia cần thiết để sau nguyên công định hình thì tự đóng rắn, đạt các chỉ số về cơ học như cường độ nén, uốn, độ hút nước... mà không phải qua công đoạn phơi và đưa vào lò , không phải sử dụng nhiệt để nung nóng đỏ viên gạch nhằm tăng độ bền của viên gạch. Độ bền của viên gạch không nung được gia tăng nhờ lực ép hoặc rung hoặc cả ép lẫn rung lên viên gạch và thành phần kết dính của chúng.
ĐINH TẤN CHÂU, PHÒNG QUẢN LÝ VLXD, SỞ XÂY DỰNG TP
- Công bố giá hàng vật liệu xây dựng và trang trí nội thất tháng 1 năm 2013 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (19/02/2013)
- Công bố giá hàng vật liệu xây dựng và trang trí nội thất tháng 12 năm 2012 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (26/01/2013)
- Vật liệu không nung? Gạch không nung? (03/01/2013)
- Công bố giá hàng vật liệu xây dựng và trang trí nội thất tháng 11 năm 2012 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (26/12/2012)
- Công bố giá hàng vật liệu xây dựng và trang trí nội thất tháng 10 năm 2012 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (24/11/2012)